Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.800.134
Hôm qua:1.127
Hôm nay:704

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu


LƯỢC SỬ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ThS. Nguyễn Văn Thủy
(Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng)

I. TRƯỜNG ĐẢNG - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG TIẾN CÔNG “LIÊN TỤC VÀ QUYẾT LIỆT” (1946-1996)

Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng (trước kia gọi là trường Đảng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng hay trường Đảng Đặc khu Quảng Đà) ra đời từ khá sớm. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, từ năm 1946, Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng đã thành lập Trường Đảng của tỉnh để đào tạo cán bộ, đảng viên phục vụ cho công cuộc kháng chiến, trường do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy hoặc đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách công tác Tuyên - Văn - Giáo huấn trực tiếp lãnh đạo. Theo đó, trường Đảng của tỉnh chuyên đào tạo cho các cán bộ, đảng viên cho thành phố Đà Nẵng và các huyện, thị xã; Các đồng chí Tỉnh ủy viên, huyện ủy viên trở lên thì được cử đi dự các lớp tại Trường Đảng Liên khu V, tại tỉnh Bình Định. Từ năm 1946 đến năm 1975, Trường Đảng luôn thuộc ngành Tuyên - Văn - Giáo huấn gồm: Tuyên huấn, khoa giáo, trường chính trị, báo chí, nhà in, văn công… 

Trong kháng chiến chống Mỹ, trường Đảng tỉnh Quảng Đà (sau đó là Đặc khu Quảng Đà) đã đào tạo hàng ngàn cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho thành phố Đà Nẵng và các huyện, thị, xã, phường… góp phần quan trọng để ngành Tuyên văn giáo huấn Quảng Đà được Khu uỷ V khen tặng: "Có tinh thần tấn công địch liên tục và quyết liệt!”, cùng cả tỉnh được Trung ương Đảng khen ngợi là địa phương “Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ” .

Từ năm 1954 đến năm 1975, trong tình hình chiến tranh ác liệt, địa bàn chia cắt, địch kèm kẹp đánh phá dữ dội nên trường Đảng Đặc khu Quảng Đà di chuyển nhiều nơi và thành lập nhiều phân khu khác nhau để hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo yêu cầu “rèn cán, chỉnh cơ”, nhất là giáo dục lý tưởng cách mạng, không ngại hy sinh gian khổ, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Những năm ấy, Trường Đảng Đặc khu Quảng Đà luôn thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua các hình thức tổ chức học tập nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, đường lối của Đảng; chỉnh huấn, mở lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh trực tiếp với kẻ thù; tiến hành tổng kết, sơ kết… để uốn nén những tư tưởng lệch lạc và bồi dưỡng nâng cao lập trường tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đối với thành phố Đà Nẵng, nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy, địch kèm kẹp đánh phá ác liệt các cơ sở cách mạng, trường đã tổ chức đường dây đưa cán bộ, đảng viên chủ chốt từ thành phố về căn cứ và mở hàng trăm lớp học, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, phương thức hoạt động trong lòng địch, phát động các phong trào đô thị tại các vùng xung yếu tại mỗi phường và các lõm chính trị, nhất là đối với trí thức, học sinh, sinh viên … Điển hình như: Năm 1964, trường đã mở cho riêng Huyện uỷ Hoà Vang 6 lớp, với 133 học viên, học xong chương trình 4 bài học ; mở 3 lớp cán bộ chủ chốt thôn xã, bí thư chi bộ, chi uỷ, tổ trưởng, chủ chốt các ngành, giới; 6 lớp cho cán bộ tự quản xã thôn, 1 lớp cho đảng viên, tổ trưởng, chi uỷ thôn .

Tại các lớp học, qua các báo cáo thực tế về người thật, việc thật; đặc biệt trong các lớp chỉnh huấn dành cho bí thư chi uỷ ở cấp tỉnh, huyện và nhiều nơi trong vùng tạm chiếm, trường Đảng Đặc khu Quảng Đà đã nhấn mạnh đến những bài học quan trọng được rút ra từ thực tiễn qua các phương châm “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “hai chân ba mũi giáp công”, “3 bám” (Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch)… nhằm diệt ác, phá kèm, phá âm mưu bình định của địch; giành giữ dân, phát triển sản xuất và đấu tranh bảo vệ hoa màu; xây dựng đảng, phát triển phong trào cách mạng vào nội ô Đà Nẵng… Qua đó, trường Đảng đã đào tạo hàng ngàn cán bộ, đảng viên trung kiên, nhất là các đồng chí lãnh đạo tại các huyện, thị, xã, phường biết cách vận dụng, kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, lấy thực tiễn để làm rõ lý luận, đường lối của Đảng, từ đó rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đặc khu Quảng Đà ngày càng đông về số lượng, vững về chất lượng, kiên định đường lối giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước góp phần vào thắng lợi chung của toàn Đảng bộ, cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Cùng với các hoạt động đó, lực lượng cán bộ, đảng viên của Trường Đảng vừa lo sản xuất tự túc lương thực, bảo toàn lực lượng, vừa tích cực tổ chức giảng dạy, đào tạo cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; giải quyết tâm lý hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong, mỗi khi phong trào cách mạng Quảng Đà rơi vào giai đoạn khó khăn như: sau tết Mậu Thân, sau khi Hiệp định Paris được ký kết… Nhiều đồng chí cán bộ của nhà trường đã anh dũng hy sinh, kiên cường bám trụ, vượt qua những khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Về phân công phụ trách, từ năm 1965 đến năm 1969, đồng chí Trần Tín (tức Đạo) - Phó ban Thường trực Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà được phân công phụ trách trường Đảng. Năm 1969, đồng chí Trương Anh Ta – Phó ban Tuyên huấn Quảng Đà phụ trách trường Đảng. Cuối năm 1973, Đỗ Huy Sanh - Phó ban Tuyên huấn phụ trách trường Đảng đến 1975. 
Về lãnh đạo nhà trường, từ năm 1969, Trường Đảng Đặc khu Quảng Đà đặt tại vùng núi huyện Đại Lộc, do cơ sở chính nằm ở vùng hậu cứ miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, theo yêu cầu của việc mở lớp, Trường Đảng lập thêm một chi nhánh trường nữa đóng tại Hòn Tàu, thuộc huyện Duy Xuyên. Giữa năm 1973, Đặc khu ủy Quảng Đà thành lập thêm một chi nhánh trường Đảng phụ trách đào tạo riêng cho các địa phương miền núi, nâng số trường Đảng của Đặc khu lên 3 trường. Để tăng cường chỉ đạo 3 trường Đảng, Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định lập Ban Trường Đảng, do đồng chí Trần Văn Đán - Phó Bí thư Đặc khu Quảng Đà làm Trưởng ban; đồng chí Ngô Gia Lầu làm Phó Trưởng ban, Hiệu trưởng và 2 ủy viên, hiệu phó là đồng chí Ngô Minh Tân và Nguyễn Nho.

Sau ngày giải phóng, tháng 4-1975, Trường Đảng Đặc khu uỷ Quảng Đà đã mở lớp huấn luyện cấp tốc cho 220 cán bộ cơ sở khóm, phường, khu phố của thị xã Hội An và Đà Nẵng để về tiếp quản, quản lý tại địa phương. Sau đó, Trường tiếp tục mở thêm 8 lớp, mỗi lớp tập trung khoảng 200-300 học viên theo từng đối tượng như lớp dành cho cán bộ từ vùng giải phóng ra, từ miền Bắc vào; lớp chỉnh huấn Nghị quyết Khu ủy và Tỉnh ủy dành cho huyện ủy viên trong tỉnh; lớp dành cho các bí thư, chủ tịch xã; lớp dành cho cán bộ công đoàn… Mục đích của các lớp học này là giúp cho học viên nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ trước mắt, phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng; nắm chắc chủ trương, chính sách của cách mạng, tích cực xây dựng và củng cố chính quyền, ra sức trấn áp bọn phản động, giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn trong tình hình mới.

Đến tháng 9-1976, đồng chí Lê Vạn được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ điều động sang giữ chức Phó Giám đốc Trường Đảng tỉnh.

Để tạo điều kiện cho việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ các cấp, ngày 2-10-1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ra Nghị quyết thành lập Trường Đảng tại chức tỉnh. Trường là cơ quan thuộc hệ thống giáo dục, lý luận chính trị của Đảng đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo về mặt nội dung, chương trình và chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tuyên huấn Trung ương. Trường có chức năng và nhiệm vụ: Tổ chức việc học tập về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có hệ thống theo chương trình lý luận trung sơ cấp cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu thuộc các ban, ngành của tỉnh, huyện nhằm đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ điều kiện, đạo đức, phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng tại địa phương nhằm phục vụ cho sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công đồng chí Ngô Xuân Hạ - Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy kiêm Hiệu trưởng của trường.

Ngày 14-4-1980, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Quyết định số 120-QĐ/TV về việc sát nhập Trường Tổ chức - kiểm tra vào Trường Đảng tỉnh. Chủ trương này đã phát huy tốt tác dụng về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác Đảng. Trên cơ sở Nghị quyết số 30/QĐ-TW của Ban Bí  thư Trung ương Đảng ra ngày 6-12-1983 về việc “Tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị tại chức cho các cán bộ, đảng viên”, ngày 11-6-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 211/NQ-TU về việc đổi tên Trường Đảng tại chức thành Trường Lý luận chính trị tại chức. Trường này có nhiệm vụ tổ chức việc học tập về lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin một cách có hệ thống theo chương trình lý luận trung sơ cấp cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu thuộc các ban, ngành của tỉnh, huyện nhằm đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ điều kiện, đạo đức, phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tổ chức các hội nghị chuyên đề nghiên cứu những vấn đề về lý luận và thực tiễn, góp phần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm trong việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng tại địa phương, nhằm phục vụ cho sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ. Đồng chí Vũ Văn Sỹ - Phó Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được phân công kiêm nhiệm Giám đốc trường này.

Từ năm 1975 đến năm 1997, cán bộ, giảng viên của trường Đảng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp khắc phục hậu quả chiến tranh, tổng kết thực tiễn, truyền đạt tư tưởng Đổi Mới của Đảng đến với các thế hệ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và thành phố Đà Nẵng cùng mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện có kết quả công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương trong tình hình mới.

II. TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG “THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG” (1997-NAY)

Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng được Ban Thường vụ lâm thời Thành uỷ Đà Nẵng theo quyết định thành lập ngày 01/01/1997, khi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc trung ương . Thành uỷ Đà Nẵng luôn xem Trường Chính trị thành phố là trung tâm sinh hoạt chính trị chung của thành phố nên đã tạo nhiều điều kiện để trường thực hiện tốt công tác giảng dạy và học tập của học viên; không ngừng quan tâm tạo điều hiện để hoàn thiện tổ chức cơ cấu, bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường…

Với sự nỗ lực vượt bậc của nhà trường cùng với sự quan tâm sâu sát của Thành ủy, UBND thành phố, cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp, với các trang thiết bị ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu Trường Chính trị chuẩn mức I và mức II trong thời gian đến . Hiện nay Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng gồm 03 khoa, 02 phòng: Khoa lý luận cơ sở, Khoa Xây dựng Đảng, Khoa Quản lý nhà nước và Pháp luật, Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Phòng Tổ chức hành chính thông tin tư liệu; Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng đều có trình độ đạt chuẩn theo quy định.

Cùng với nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng, số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động nhà trường ngày càng được nâng cao. Tính đến năm 2023, toàn trường có 39 cán bộ giảng viên trong đó có 05 cán bộ giảng viên có trình độ tiến sĩ, có 03 cán bộ giảng viên đang học nghiên cứu sinh, 22 cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ, nhiều cán bộ giảng viên có 2 bằng đại học. Hầu hết giảng viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính để phục vụ giảng dạy, có kỹ năng cập nhật thông tin, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và làm việc nên chất lượng giảng dạy và làm việc ở trường ngày càng nâng cao.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên và người lao động của Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng luôn nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng, chung tay thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp ủy và chính quyền các cấp tại thành phố Đà Nẵng, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, không ngừng phấn đấu, xây dựng và phát triển, trở thành địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng của thành phố Đà Nẵng và các quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố.

Từ năm 1997 đến nay, trung bình mỗi năm, Nhà trường tổ chức giảng dạy hàng chục ngàn học viên cho các đơn vị của thành phố Đà Nẵng và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, nhà trường đã tổ chức thực hiện hoàn thành các đề tài khoa học và các cuộc hội thảo khoa học có tính lý luận và thực tiễn cao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học chung của toàn thành phố.

Về các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của nhà Trường từ năm 1997 đến nay gồm:

+ Các đồng chí Hiệu Trưởng: 

    - ThS. Nguyễn Hữu Ái từ năm 1997 đến năm 2004 

    - TS. Nguyễn Linh từ năm 2004 đến năm 2017

    - ThS. Lê Minh Trung từ năm 2017 đến năm 2018

    - TS. Nguyễn Đình Thuận từ năm 2018  đến nay

+ Các đồng chí Phó Hiệu Trưởng:

    - ThS. Trần Văn Thiết

    - Hoàng Thanh Thuỵ

    - ThS. Trần Văn Năm

    - Trần Huy Đức

    - Đoàn Tấn Thành

    - ThS. Nguyễn Thị Lan

    - ThS. Lê Thị Mộng Hà

+ Ban Giám hiệu hiện nay: 

    - TS. Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng

    - TS. Trần Thuý Hiền, Phó Hiệu trưởng

    - TS. Lưu Anh Rô, Phó Hiệu trưởng

Với những thành tích đạt được, năm 2001, tập thể Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Năm 2008, Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì. Năm 2012, Trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý, xứng đáng với những nỗ lực, quyết tâm và những đóng góp của tập thể cán bộ, giảng viên, người lạo động nhà trường. Nhiều tập thể và cá nhân khoa, phòng được tặng Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch UBND thành phố; nhiều lãnh đạo và giảng viên nhà trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, chung sức đồng lòng và sức mạnh trí tuệ tập thể, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đã và đang đào tạo được nhiều thế hệ học viên vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ lịch sử, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành một “thành phố đáng sống”, tạo nên thương hiệu lớn, niềm tin yêu, mến phục trong lòng bạn bè quốc tế và trong nước./.

N.V.T.