Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.748.419
Hôm qua:705
Hôm nay:155

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Lương Định Của - Nhà Nông học yêu nước, thương dân

16:35 | 11/05/2017 2380

Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam có được sự phát triển như ngày hôm nay là do nhiều yếu tố góp phần tạo nên: nguồn lực tài nguyên, con người, cơ chế chính sách, khoa học và công nghệ… trong đó trình độ khoa học có vị trí vô cùng quan trọng và vì thế phần đóng góp của các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực này là rất lớn, nổi bật trong số các nhà nông học Việt Nam phải kể đến cố giáo sư, tiến sĩ Lương Định Của, người có những cống hiến lớn lao cho nền nông nghiệp nước nhà.

Lương Định Của sinh ngày 16 tháng 7 năm 1919 tại làng Đại Ngãi, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong một gia đình điền chủ theo Thiên Chúa giáo. Không may, cha mẹ mất sớm lúc ông chỉ mới 12 tuổi nhưng với nỗ lực của bản thân, Lương Định Của đã học tập, nghiên cứu và có những cống hiến lớn cho dân tộc. Ông là một trong số ít người đặt nền móng cho trường Đại học Nông lâm đầu tiên ở nước ta (tiền thân của trường Đại học Nông nghiệp I), đặt nền móng cho nghề lúa Việt Nam và nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại; tạo ra giống cây trồng mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng một thời: Giống lúa Nông nghiệp I (1) và ngoài ra, ông còn tạo ra nhiều giống lúa và cây trồng mới, năng suất cao; đề xướng các mô hình canh tác, kỹ thuật thâm canh lúa: “bờ vùng, bờ thửa” “cấy nông tay thẳng hàng” “đảm bảo mật độ” rất phù hợp và đạt hiệu quả, tạo ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Lương Định Của là cuộc đời của một con người rất mực yêu nước, thương dân; là tấm gương của người trí thức yêu chủ nghĩa xã hội, cần cù, sáng tạo, “vừa hồng vừa chuyên”: Ông đã trải qua những năm tháng gian nan, làm đủ nghề kiếm sống để theo đuổi sự học và nghiên cứu: gia sư, phiên dịch tiếng Anh... Mục đích của ông khi theo học ngành nông học tại Nhật Bản như lời ông chia sẻ: là mong muốn mang vốn kiến thức của mình về giúp dân, giúp nước; đồng thời cũng để khẳng định bản thân, khẳng định vị trí người Việt Nam với thế giới. Và cũng thật vinh dự thay cho đất nước khi Lương Định Của là nghiên cứu sinh trẻ tuổi nhất, người ngoại quốc duy nhất được cấp bằng bác sĩ nông học cho đến bấy giờ (ở Nhật học vị Bác sĩ là cao nhất). Đồng thời ông còn là người ngoại quốc duy nhất thời ấy được chính thức mời tham gia giảng dạy ở một trường đại học quốc lập Nhật Bản.

Sau khi có được học vị bác sĩ nông học, một vị trí cao trong xã hội Nhật lúc bấy giờ, Lương Định Của không vì sự hứa hẹn về một cuộc sống giàu sang hay không vì một lý do chính đáng hơn: Nhật Bản hay Mỹ đều là những thành phố phát triển và nơi đây sẽ tạo điều kiện để tài năng của ông nở rộ (vì có người bạn rủ ông sang Mỹ dạy học) nhưng trên tất cả ông đã quyết định trở về quê hương, phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc, phục vụ Chính phủ của Hồ Chủ tịch, Người mà ông luôn dành tình cảm kính mến và nể phụ. Khi về nước, một lần nữa vượt qua những cám dỗ của tiền tài, danh lợi, ông từ chối khéo lời mời về làm thứ trưởng Bộ Nông lâm của chính quyền Sài Gòn.

Với hoàn cảnh xuất thân, trình độ và bằng cấp, tưởng chừng như người trí thức đó khó lòng làm quen với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của đất nước lúc bấy giờ; thế nhưng, người trí thức đó đã nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống và công việc một cách say mê, giản dị, chân chất và gần gũi vô cùng. Chính vì vậy, nông dân gọi ông là “bác Của” theo cách thân mật như người trong nhà và họ cũng gọi những thành tựu khoa học của ông một cách mộc mạc: “lúa ông Của”, “khoai ông Của”... Đặc biệt, trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả của cuộc sống và công tác nhưng chưa bao giờ bạn bè, đồng nghiệp hay qua lời kể của người thân nghe một lời phàn nàn nào từ ông. Ông chỉ có một băn khoăn là không đủ tiền đặt mua tạp chí khoa học nước ngoài để nghiên cứu hay được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam như mong muốn cháy bỏng trong ông; nhưng không vì lẽ chưa phải là đảng viên mà ông phai nhạt lý tưởng sống cống hiến vì quốc gia dân tộc, vì đại cuộc.

Say mê cống hiến cho nhân dân, dân tộc là vậy nhưng ông không sống được lâu khi ra đi ở cái tuổi còn có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước. Sự “ra đi” của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn của bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; khiến cho nhiều nông dân lúc đó để tang, thương khóc. Có thể nói, hiếm có vị giáo sư nào, nhà khoa học nào sống và làm việc mà chiếm được nhiều cảm tình, sống gần gũi, chan hoà với người dân, đặc biệt là nông dân nghèo như giáo sư Lương Định Của.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao đó, Lương Định Của được Chính phủ phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động ngành nông nghiệp” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 01-01-1967, là người đầu tiên trong ngành nông nghiệp Việt Nam đạt danh hiệu này và ngoài ra ông còn được nhận nhiều huân huy chương cao quý khác của Đảng và Nhà nước ta.

Nhà nông học Lương Định Của, tấm gương sáng ngời của một trí thức luôn dấn thân vì đại nghĩa, sống thanh đạm, giản dị, say mê, tận tuỵ với sự nghiệp trồng người, nghiên cứu khoa học, và hết lòng vì dân vì nước. Cuộc đời và sự nghiệp đó sẽ còn mãi với thời gian.

(1)Giống lúa nông nghiệp I: Giống lúa Việt Nam đi vào sản xuất trên đồng ruộng từ những năm 60 của thế kỷ trước, giống lúa lai tạo đầu tiên ở Việt Nam, góp phần tạo nên kỳ tích năng suất lúa 5 tấn/ha ở miền Bắc lúc bấy giờ, đảm bảo chi viện lương thực cho tiền tuyến lớn miền Nam.

CN. Trần Thị Hồng Hạnh

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo:

Tin đọc nhiều