Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.825.371
Hôm qua:704
Hôm nay:611

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Giới thiệu sách, tác phẩm

Tác phẩm: Quân vương

08:54 | 18/09/2023 404

TÁC PHẨM: QUÂN VƯƠNG

TÁC GIẢ: NICCOLÒ MACHIAVELLI

NGƯỜI DỊCH: VŨ THÁI HÀ

I. BỐ CỤC VÀ TÊN CỦA TÁC PHẨM

1. Bố cục tác phẩm

Ngoài phần đôi lời người dịch, về tác giả và tác phẩm, Đề tặng, tác phẩm gồm có 26 chương:

1. Có bao nhiêu loại công quốc và chúng hình thành như thế nào?

2. Các công quốc cha truyền con nối.

3. Các công quốc hỗn hợp.

4. Tại sao đế chế của vua Darius, bị Alexander thống trị, không chống lại những kẻ kế vị của Alexander Đại đế khi ông chết?

5. Phương thức cai trị những thị quốc hay công quốc đã từng có luật pháp trước khi bị thôn tính.

6. Những vương quốc mới thôn tính được bằng binh lực và sự quyền biến của bản thân.

7. Các vương quốc giành được nhờ binh lực của người khác hoặc nhờ vận may.

8. Những kẻ đoạt được vương quốc bằng tội ác.

9. Một công quốc dân sự.

10. Cách đánh giá sức mạnh của các vương quốc.

11. Các công quốc thuộc giáo hội.

12. Có bao nhiêu loại quân đội và lính đánh thuê.

13. Quân đồng minh, quân hỗn hợp và quân đội quốc gia.

14. Quân vương và binh pháp.

15. Sự ca ngợi và phê phán.

16. Hào phóng và keo kiệt.

17. Độc ác và nhân từ, được yêu hay bị sợ.

18. Cách giữ chữ tín của Quân vương.

19. Tránh bị khinh miệt và thù ghét.

20. Pháo đài và những thứ khác mà các quân vương thường trú ẩn, có lợi hay có hại?

21. Quân vương tạo nên uy danh như thế nào?

22. Quân sư của Quân vương.

23. Làm thế nào để tránh những kẻ xu nịnh?

24. Các Quân vương nước Ý đã từng đánh mất vương quốc.

25. Số phận ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp, và đương đầu với số phận như thế nào?

26. Lời kêu gọi giải phóng nước Ý khỏi những kẻ man rợ.

2. Về tên của tác phẩm

Về tên của tác phẩm có nhiều cách dịch khác nhau:

- Quân vương

- Quân vương – Thuật cai trị

- Hoàng đế

- Thuật trị quốc

- Thuật làm vua…

Nhưng thống nhất sử dụng Quân vương để chỉ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU MỘT ĐẾ CHẾ, VƯƠNG QUỐC, LÃNH ĐỊA… hay tựu trung là để nói tới lãnh tụ của một quốc gia, một vùng lãnh thổ.

II. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Tác giả

Niccolò Machiavelli sinh ngày 03 tháng 5 năm 1469 tại thành phố Florence, nước Ý.

Người ta biết rất ít về tuổi trẻ của Mchiavelli nhưng một điều chắc chắn là ông đã được thừa hưởng nền giáo dục về văn hóa, lịch sử của cả Hy Lạp và La Mã.

Khi ông còn trẻ, nước Ý đang bị chia thành năm vương quốc lớn:

1. Vương quốc Naples ở phía Nam;

2.  Công quốc Milan ở Tây Nam;

3.  Cộng hòa Venice ở Tây Bắc;

4.  Cộng hòa Florence;

5. Nhà nước của Giáo hội ở Miền Trung.

Khi đó Florence đang trong giai đoạn huy hoàng dưới sự cai trị của gia đình Medici đầy uy quyền, mà người đứng đầu là Lorenzo de Medici. Lúc này, Florence là một thành phố giàu có, sôi động, là trung tâm của nghệ thuật và tri thức, còn người đứng đầu – Lorenzo như một mạnh thường quân.

Đến năm 1494, gia đình Medici bị lật đổ và thay bằng một chính quyền cộng hòa chịu nhiều ảnh hưởng từ Girolamo Savonarola, một giáo sĩ dòng tu Đa Minh, mới gây dựng được uy tín.

Chỉ 04 năm sau, chính quyền chịu ảnh hưởng của Savonarola lại sụp đổ và một chính quyền cộng hòa mới lại ra đời ở Florence. Machiavelli được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng ngoại giao, khi mới 29 tuổi. Trí tuệ tuyệt vời và nhiệt huyết của ông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chính khách Florence lúc bấy giờ. Do đó, chỉ sau một tháng, ông đã được bầu làm thư ký Hội đồng quân sự và ngoại giao. Với vai trò như một sứ thần, ông đã đi khắp các lãnh thổ trên nước Ý cũng như các đế chế lớn của châu Âu để thương thảo với các đồng minh những tiềm năng, thu thập thông tin đồng thời là người phát ngôn của Hội đồng về những chính sách đối ngoại của Florence.

Trong suốt 14 năm phụng sự nền cộng hòa Florence, Machiavelli đã có dịp tiếp xúc nhiều chính khách nổi tiếng và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Ông đã tiếp kiến nữ Bá tước Caterina Sforza, Vua Louis XII của nước Pháp, Giáo hoàng Julius II, Hoàng đế Maximilian II… Các sứ mệnh ngoại giao này cùng với kinh nghiệm về chính sách đối ngoại đã hình thành nên nhiều nguyên lý mà ông đã thể hiện trong tác phẩm Quân vương, còn những nhân vật ông được tiếp xúc trở thành những tấm gương và bài học trong tác phẩm này.

Trong thời gian này, ông cũng trở thành người bạn của Piero Soderini – người được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ Florence. Do quá chán nản trước sự kém cỏi của quân đội đánh thuê mà chính phủ Florence sử dụng, ông đã thuyết phục Soderini hậu thuẫn việc xây dựng quân đội quốc gia của Florence bất chấp những ý kiến phản đối của giới quý tộc. Machiavelli đã đứng ra tuyển chọn, đào tạo và tập luyện cho đội quân này. Vào năm 1509, sự sáng suốt của ông đã được minh chứng khi quân đội Florence giành được quyền kiểm soát thành phố láng giềng sau cuộc chiến kéo dài 15 năm. Thành công này đánh dấu bước tiến trong sự nghiệp của Machiavelli.

Là một đồng minh trung thành của nước Pháp, Florence đã đối đầu với Giáo hoàng Julius II – người đang tìm cách đánh đuổi quân Pháp ra khỏi đất Ý. Do đó, Giáo hoàng đã kêu gọi sự trợ lực của đồng minh Tây Ban Nha để lật đổ chính quyền Soderini.

1512, quân đội quốc gia Florence của Machiavelli bị quân đội Tây Ban Nha đánh bại, và Soderini buộc phải từ chức. Gia đình Medici trở lại nắm quyền ở Florence, còn Soderini bị tống giam. Vì là người ủng hộ chính quyền của Soderini, Machiavelli bị bãi chức và bị cấm rời khỏi lãnh thổ Florence.

Vài tháng sau, hai thanh niên bất mãn với chính quyền bị bắt cùng với danh sách những kẻ âm mưu chống lại gia đình Medici, trong đó có tên của Machiavelli. Dù không có dấu hiệu nào chứng tỏ ông có liên quan, nhưng Machiavelli vẫn bị tống giam và bị tra tấn. Từ trong tù, ông đã viết hai bài Xô –nê gửi Medici xin can thiệp nhưng không có kết quả.

Tuy nhiên, khi Giáo hoàng Leo X nhậm chức vào 1513, nhân đợt ân xá nên ông được tha tội và lui về sống tại một trang trại nhỏ ở quê nhà. Trong thời gian này, ông viết nhiều thư gửi cho người bạn thân là Vettori – một nhà ngoại giao Florence được giữ chức đại sứ tại thành Rome để nắm thông tin của thế giới bên ngoài và hy vọng Vettori có thể tiến cử ông với nhà Medici. Trong hoàn cảnh đó ông đã viết Quân vương.

Quân vương là tác phẩm chắc lọc những nhìn nhận của ông về BẢN TÍNH CON NGƯỜI, NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO CŨNG NHƯ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO. Ông dâng tặng nhà Medici tác phẩm này nhằm chứng tỏ sự tận tâm của mình, nhưng không thành công. Cho tới năm 1515, nhà Medici vẫn không để mắt tới ông và sự nghiệp ngoại giao của ông đã chấm dứt.

Trong suốt 10 năm sau đó, vì không được tham gia chính sự, ông chuyển sang sáng tác. Trong giai đoạn này, ông đã viết một tác phẩm về nghệ thuật chiến tranh, đút rút từ kinh nghiệm của một người tổ chức lực lượng quân đội; và một bình luận về tác phẩm của nhà sử học La Ma cổ đại Livy. Thông qua việc xem xét các ghi chép của Livy về nền cộng hòa La Mã, Machiavelli đã bàn luận chi tiết khái niệm chính phủ cộng hòa.

Trái ngược với Quân vương – một tác phẩm ủng hộ nền quân chủ và thậm chí là quân chủ chuyên chế, cuốn luận bàn về Livy thường được trích dẫn như một bằng chứng về sự nhiệt thành của Machiavelli đối với chính thể cộng hòa. Ngoài ra, ông cũng sáng tác thơ ca và ba vở hài kịch.

Các tác phẩm của ông đã thu hút được Hồng Y Giáo chủ Giulio dé Medici, người đã nắm quyền ở Florence vài năm, và nhờ đó ông được giao nhiệm vụ viết về lịch sử của Florence. Ông viết cuốn lịch sử Florence từ năm 1520 đến 1524.

Năm 1523, Giulio được bầu làm Giáo hoàng Clement VII và Machiavelli đệ trình cuốn Lịch sử Florence cho Giáo hoàng vào năm 1525. Nhờ đó, Machiavelli được tham gia chính sự trong một thời gian ngắn. Ông được giao nhiệm vụ phụ trách các vấn đề quân sự tại Florence cho Giáo hoàng.

Tuy nhiên, Giáo hoàng Clement VII mắc mưu kẻ thù và thành Rome bị quân đội Tin Lành của Đức cướp phá. Sự cố này đã khiến cho người dân Florence lật đổ nhà Medici vào năm 1257. Và Machiavelli – người suốt đời ủng hộ và bảo vệ nền cộng hòa Florence, lại một lần nữa không gặp may vì bị những người cộng hòa nghi ngờ câu kết với nhà Medici. Tuy nhiên, ông không phải chứng kiến định mệnh trớ trêu của mình một lần nữa, bởi ông đã qua đời sau một trận ốm vào tháng 6 năm 1527 (58 tuổi). Có thể nói, cuộc đời của một con người đầy tài hoa nhưng gặp nhiều sóng gió đã kết thúc, nhưng không dừng lại ở đó.

Bởi, Quân vương là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông nhưng không được xuất bản khi ông còn sống, mặc dù được lưu hành rộng rãi dưới các ấn bản chép tay. Quân vương được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1532 (5 năm sau khi ông mất) với sự cho phép của Giáo hoàng Clement VII. Trong vòng 20 năm sau đó, tác phẩm này đã được tái bản bằng tiếng Ý tới 7 lần. Nhưng đến năm 1559, tất cả các tác phẩm của ông đều bị đưa vào “Danh mục sách cấm” của Giáo hội Kitô giáo vì bị coi là tà giáo. Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến sự lan truyền của Quân vương và tác phẩm đã sớm được dịch sang tất cả các thứ tiếng quan trọng của châu Âu.

Ngày nay, Machiavelli tiếp tục được công nhận LÀ MỘT TRONG NHỮNG NHÀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI VÀ NHÀ BÌNH LUẬN SẮC SẢO VỀ TÂM LÝ HỌC VÀ NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO.

2. Tác phẩm

Kể từ khi xuất hiện vào đầu thế kỷ XVI, Quân vương đã luôn là đề tài gây tranh cãi. Tác phẩm đã trở thành một tác phẩm kinh điển về TƯ TƯỞNG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI VÀ LÀ PHẦN KHÔNG THỂ THIẾU KHI BÀN ĐẾN NHỮNG TÁC PHẨM VĨ ĐẠI, HỌC THUYẾT CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HÓA THỜI PHỤC HƯNG. Đến nay, tác phẩm vẫn là đề tài tranh luận nóng hổi.

Mặc dù Machiavelli hoàn toàn dự đoán được những phản ứng quyết liệt của độc giả đối với giọng văn phê phán của ông, nhưng ông cũng không khỏi ngạc nhiên trước cách hiểu phong phú của độc giả trong suốt hơn 4 thế kỷ qua.

Mục đích thực tiễn ban đầu của tác phẩm khi ra đời đã bị thay đổi, nhưng cách xử lý tận gốc rễ và triệt để các vấn đề cơ bản về triết học và chính trị học vẫn luôn hấp dẫn độc giả, cho dù phần lớn họ không ý thức được mục tiêu chính trị thực tế mà Machiavelli ngầm đưa ra trong luận điểm của mình.

Mục đích trước mắt là các tiên đoán lý thuyết của Machiavelli về bản chất của vương quốc và người cai trị nêu ra trong tác phẩm vẫn còn những HẠN CHẾ nhất định. Đó là ông đã thuyết phục gia đình Medici khởi xướng một cuộc thập tự chinh chống lại những kẻ xâm lược man rợ đã can thiệp vào cuộc sống của người Ý kể từ cuộc xâm lược của nước Pháp năm 1494 – đã biến nước Ý thành bãi chiến trường của châu Âu. Đồng thời ông mong muốn gia đình Medici có thể thống nhất được các vương quốc, lãnh địa và các nước cộng hòa trên bán đảo Ý.

Trong khi đưa ra những lời khuyên thực tế và mục tiêu chính trị cụ thể cho dòng họ Medici, ông đã sử dụng khuôn khổ truyền thống các bài giảng của chủ nghĩa nhân văn thời Trung cổ để bàn về bản chất của sự lãnh đạo chính trị.

Machiavelli đã nói: “Tìm hiểu sự thật về một vấn đề thì hay hơn là tưởng tượng về vấn đề đó; nhiều người đã vẽ ra những nền cộng hòa và công quốc chẳng bao giờ được xuất hiện và nhìn thấy trên thực tế, bởi vì chuyện người ta sống như thế nào có khoảng cách rất xa với chuyện người ta nên sống như thế nào, rồi người ta thờ ơ với những gì đã làm để nghĩ về những gì nên làm, những chuyện sẽ xảy ra đưa đến sự diệt vong chứ không phải sự sống còn của họ". Những người cùng thời với Machiavelli vốn đã quen với hình ảnh lý tưởng của những nhà cai trị nhân từ theo đường lối Kitô giáo, hẳn sẽ bàng hoàng trước quan điểm của ông về một Quân vương vượt ra khỏi đạo đức và tư tưởng truyền thống.

CUỘC TRANH LUẬN PHỨC TẠP về việc xuất bản Quân vương:

Gần 400 tác phẩm tham khảo thời Elizabeth về Machiavelli đã đưa tên ông vào ngôn ngữ tiếng Anh để chỉ sự gian trá, quỷ quyệt và phản trắc.

Giới tăng lữ đã coi Quân vương là tác phẩm của quỹ dữ và tác giả của nó là kẻ dị giáo. Tên của Machiavelli gắn liền với những tính từ thường dùng để chỉ tà đạo và cuốn sách bị tấn công từ mọi phía. Đỉnh điểm, đến năm 1559, Giáo hội Kitô giáo đưa Quân vương vào danh mục sách cấm. Còn đối với những nhà cải cách Tin Lành thì tác phẩm này tiêu biểu cho tất cả những gì vẫn bị nền văn hóa kiểu nước Ý của châu Âu thời Phục hưng đỉnh cao khinh miệt.

Trong thời kỳ Khai sáng, Hoàng đế Friedrich II của nước Phổ đã ủng hộ Voltaire công kích kịch liệt những tư tưởng vượt khỏi các chuẩn mực thông thường của Machiavelli.

Tuy nhiên, các nhà tư tưởng khác như: Hume, Rousseau, Montesquieu đã ca ngợi con người xứ Florence này như nhà tư tưởng hiện đại đầu tiên trình bày về bản chất của chính thể chính trị. Thậm chí sau đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước Ý vào thế kỷ XIX, người dân nước Ý đã coi chương cuối của Quân vương là sự báo hiệu về một Tổ quốc mới.

II. NỘI DUNG CHÍNH CỦA TÁC PHẨM

Machiavelli viết tác phẩm này để dâng tặng nhà Medici nhằm chứng tỏ sự tận tâm của mình (nhưng không thành công). Và đây là phần “Đề tặng” mà ông viết gửi Medici. Do đó, người báo cáo xin giữ nguyên nội dung này.

ĐỀ TẶNG (Gửi Đức Ông Lorenzo dé Medici)

Những kẻ nào muốn chiếm được cảm tình của bậc Quân vương thường phải đến trước Ngài với những thứ mà họ cho là quý giá nhất, hoặc những thứ được xem là sẽ làm hài lòng Quân vương nhất; bởi vậy, người ta thường thấy ngựa quý, khí giới, vàng bạc, châu báu và những đồ trang sức tương tự được dâng tặng các Quân vương, xứng đáng với địa vị cao quý của các Ngài.

Nay để tự tiến cử mình lên Đức Ông với đôi chút bằng chứng về tấm lòng tận tụy với Ngài, tôi chẳng tìm thấy trong gia sản của mình vật gì đáng quý giá hơn, hay đáng giá hơn, là sự hiểu biết về sự nghiệp của những vĩ nhân mà tôi đúc rút kinh nghiệm bản thân qua thực tế đang diễn ra cũng như từ việc miệt mài nghiên cứu kinh nghiệm đời xưa; sau khi suy nghĩ kỹ và sâu sắc, tôi xin dâng tặng lên Đức Ông những điều đó, nay đã được gửi gắm vào cuốn sách nhỏ này.

Và tôi tin rằng là với địa vị của Ngài thì tác phẩm này không có mấy giá trị  nhưng với lòng bao dung của Ngài hẳn nó sẽ được đón nhận, vì tôi không có món quà nào đáng giá hơn là tặng Ngài phương tiện để trong một thời gian ngắn nhất có thể nắm bắt được những vấn đề mà tôi học được trong nhiều năm giữa bao vất vả và hiểm nguy; một tác phẩm mà tôi không tô điểm bằng những từ hào nhoáng hay đao to búa lớn, cũng không nhồi nhét vào đó những chấm câu vô nghĩa, cũng không có những chuyện làm say mê hay quyến rũ nào, là những thứ mà người khác vẫn dùng để làm nên tác phẩm của họ; bởi tôi muốn rằng, hoặc là không nhận được vinh dự nào, hoặc là chính sự thật của vấn đề và tính thuyết phục của chủ đề sẽ làm cho nó được chấp nhận.

Tôi cũng không đồng ý với những người xem đây là một sự tự phụ khi một người ở địa vị thấp kém dám luận bàn và giải quyết những mối bận tâm của bậc Quân vương; bởi vì, cũng như những họa sĩ vẽ tranh phong cảnh đặt mình ở đồng bằng để có thể ngắm được cảnh đẹp của núi và những nơi cao xa, và để ngắm được đồng bằng thì lại đặt mình trên đỉnh núi, như vậy để hiểu được bản chất của dân chúng thì phải là bậc Quân vương, và để hiểu được bậc Quân vương thì phải ở vai dân thường.

Thưa Đức Ông, xin hãy nhận lấy món quà nhỏ này trong tinh thần mà tôi đã gửi gắm khi chuyển nó cho Ngài; vì thế nếu đọc và suy xét nó thật kỹ, Ngài sẽ nhận ra mong ước tận cùng của tôi là muốn Ngài đạt đến cái vĩ đại mà số phận và những đức tính khác của Ngài đã hứa hẹn.

Và nếu Đức Ông, từ địa vị tôn quý của mình, có lúc nào nhìn xuống bên dưới thì Ngài sẽ thấy tôi đã phải chịu đựng sự độc ác ghê gớm và dai dẳng của số phận một cách bất công như thế nào.

Ngoài phần "Đề tặng", tác phẩm có 26 chương, mỗi chương có độ dài khác nhau. Có chương chỉ có một trang giấy, nhưng có những chương dài hơn rất nhiều lần (16 trang)… Có nhiều chương được đặt dưới dạng dấu chấm hỏi
(6 chương) cho phép người đọc đặt nghi vấn trước rồi sau đó tự tìm câu trả lời.

Do tác phẩm này có những điểm đặc biệt như vậy, người báo cáo sẽ không trình bày theo nội dung của từng chương, mà sẽ trình bày theo nhóm nội dung cơ bản của tác phẩm.

1. Đặc điểm của các loại hình công quốc và những nguyên nhân làm cho chúng trở nên tốt hay xấu

Machiavelli cho rằng, tất cả các nhà nước, các thế lực đã được tổ chức và thống trị dân chúng đều hoặc là các chính thể cộng hòa hoặc là các công quốc.

Các công quốc có 02 loại:

1. Được kế thừa từ những gia đình đã có truyền thống lâu đời – các công quốc “cha truyền con nối”: có ít khó khăn hơn trong việc gìn giữ quốc gia (so với quốc gia mới). Ông lý giải rằng, khi đó chỉ cần đừng vi phạm những tập quán của tổ tiên, biết hành xử khôn ngoan trước hoàn cảnh khi nó xảy ra, thì một vị Quân vương với sức mạnh trung bình đã có thế đảm bảo vị thế của mình trong quốc gia (trừ khi ông bị phế truất bởi một thế lực phi thường và dư thừa của cải).

2. Được thành lập mới – công quốc hỗn hợp

Ông cho rằng, khó khăn lại xuất hiện trong các công quốc mới. Nếu các công quốc này không phải là hoàn toàn mới mà là một phần của một quốc gia – công quốc hỗn hợp, thì sự thay đổi chủ yếu xuất hiện từ những khó khăn kinh điển mà mọi quốc gia đều có: Dân chúng sẵn sàng thay đổi kẻ cai trị, hy vọng làm cho điều kiện của họ tốt hơn và niềm hy vọng đó khiến họ lật đổ kẻ cai trị. Điều này khiến cho vị tân vương phải trấn áp những kẻ vừa thần phục mình bằng những biện pháp cứng rắn vô độ.

Trong tình thế như vậy thì Quân vương sẽ có kẻ thù là tất cả những người đã bị Ngài làm tổn thương khi chiếm công quốc đó; Ngài cũng không thể giữ được những người bạn đã đưa ngài đến vùng đất ấy vì không thể làm hài lòng họ theo cách mà họ muốn; và cũng không thể dùng biện pháp mạnh để chống lại họ, vì cảm thấy gắn bó với họ. Như vậy, cho dù Quân vương rất mạnh về binh lực nhưng một khi đã đi vào một lãnh thổ mới Ngài luôn cần đến thiện chí của người dân địa phương.

Machiavelli dẫn chứng bằng lịch sử: Vua Louis XII của nước Pháp đã nhanh chóng chiếm được Millan và cũng đánh mất nó rất nhanh; chỉ một mình đạo quân của Lodovico cũng đã đủ đánh bại Ngài ngay từ đầu, bởi vì chính những người dân đã từng mở cổng thành cho Ngài, cảm thấy bị lừa dối trước hy vọng vào tương lai, họ đã không chịu nổi sự cai trị tồi tệ của tân vương. Một sự thật rõ ràng là, sau khi thôn tính những vùng đất nổi loạn lần thứ hai thì người ta sẽ không đánh mất nó dễ dàng, bởi vì quân vương, đã bớt e dè hơn, nhân tình trạng hỗn loạn sẽ trừng phạt những kẻ chống đối, đánh đuổi những kẻ khả nghi và khắc phục những điểm yếu của mình.

Vì vậy, để nước Pháp phải mất Milian lần thứ nhất thì Công tước Lodovico chỉ cần kích động bạo loạn ở vùng biên là đủ; nhưng để khiến người Pháp phải bỏ Milan lần thứ hai thì cần huy động cả thế giới (Liên minh thần thánh bao gồm: Tây Ban Nha, Venice và Giáo hoàng, Vua Henry VIII của Anh và Hoàng đế Maximilian I của Đức) chống lại nước Pháp, và quân đội Pháp phải bị đánh bại và bị đuổi khỏi nước Ý.

Machiavelli cũng chỉ ra rằng, các lãnh địa, khi bị chinh phục, được sáp nhập vào vương quốc lâu đời của kẻ đi chinh phục, có thể có cùng chung ngôn ngữ và cội nguồn ngôn ngữ với vương quốc đó, hoặc là không.

Trường hợp thứ nhất: Nếu có cùng chung ngôn ngữ và nguồn cội:

Ông cho rằng, khi có cùng chung nguồn cội và ngôn ngữ thì việc chiếm đóng sẽ dễ dàng hơn. Người nào đã thôn tính những vùng đất này, nếu muốn giữ được chúng thì chỉ cần nhớ hai điều:

Một là, phải tuyệt diệt gia tộc và đồng minh của kẻ cai trị cũ; (Cuốn sách của quỹ dữ)

Hai là, không nên thay đổi luật lệ và thuế khóa, như thế thì các vùng đất này sẽ nhanh chóng hòa nhập vào chính quốc.

Trường hợp thứ hai, có sự khác biệt về ngôn ngữ và nguồn cội:

Đối với các quốc gia bị thôn tính có sự khác biệt về ngôn ngữ và nguồn cội thì khó khăn sẽ xảy ra, và phải có thật nhiều may mắn cũng như tốn nhiều công sức thì mới giữ được; một trong những cách tốt nhất là kẻ đi chinh phục phải đến sống ở đó. Điều này đảm bảo việc chiếm đóng sẽ an toàn và bền vững hơn, như trường hợp của Hoàng đế Thỗ Nhĩ Kỳ ở Hy Lạp, người mà cho dù đã thực hiện tất cả các biện pháp khác nhưng nếu không đến đó sống thì sẽ không giữ được vùng đất này.

Ông giải thích thêm: Bởi vì nếu kẻ đi chinh phục sống tại đó thì mọi sự hỗn loạn sẽ được phát hiện ngay khi mới manh nha, và Ngài sẽ nhanh chóng tìm ra biện pháp xử lý; nếu không Ngài chỉ có thể biết được tình hình khi nó đã vô phương cứu chữa. Hơn thế nữa, vùng đất đó sẽ không bị cướp bóc bởi bọn quan quyền; dân chúng sẽ thấy thỏa mãn vì có thể nhờ cậy Quân vương kịp thời; nhờ thế, mọi sự sẽ tốt đẹp thì dân chúng có thêm lý do để yêu mến Quân vương, và nếu không tốt đẹp được như vậy thì họ có nhiều lý do để sợ Ngài. Ngoài ra, khi Quân vương đến sống ở đó, những kẻ nào muốn tấn công vùng đất ấy từ bên ngoài sẽ phải thận trọng tối đa, vì việc chiếm vùng đất ấy từ tay Ngài là cực kỳ khó khăn.

Machiavelli cũng cho rằng, biện pháp khác và tốt hơn là đưa kiều dân tới một vài nơi, có thể là trọng yếu trong lãnh địa đó, bởi vì cần phải làm như vậy hoặc phải duy trì một lực lượng lớn bộ binh và kỵ binh ở đó. Quân vương không phải tốn kém gì nhiều cho kiều dân, chỉ cần một ít chi phí thì Ngài có thể đưa họ đến và giữ họ ở lại đó, và Ngài chỉ gây tổn hại cho một thiểu số dân chúng là những kẻ bị tước đoạt đất đai và nhà cửa để trao cho các cư dân mới.

Tuy nhiên, Machiavelli nhấn mạnh rằng: cần phải lưu ý rằng, CON NGƯỜI HOẶC LÀ ĐƯỢC ĐỐI XỬ TỬ TẾ HOẶC LÀ PHẢI BỊ THẲNG TAY ĐÀN ÁP, bởi vì người ta thường trả thù những tổn thương nhẹ trong khi những tổn thương nghiêm trọng thì họ lại chẳng thể làm gì; bởi vậy, khi gây tổn thương cho ai thì phải làm đến mức không còn phải sợ họ trả thù nữa (Cuốn sách của quỹ dữ).

Vị Quân vương cai trị vùng đất khác biệt ở những khía cạnh nói trên cần phải biến mình thành thủ lĩnh và là người che chở cho những láng giềng hùng mạnh của Ngài, và phải làm suy yếu những láng giềng mạnh trong số đó, chú ý không để cho bất kỳ kẻ ngoại bang nào có thế lực như Ngài đặt chân vào vùng đất đó bằng mọi giá. Ông cảnh báo rằng: Bởi luôn có những kẻ như vậy xuất hiện do những người bất mãn đưa vào, hoặc là vì tham vọng thái quá hoặc là vì sợ hãi.

Machiavelli cho rằng, một Quân vương khôn ngoan cần làm, họ không chỉ đề phòng những vấn đề trước mắt, mà cả những biến cố trong tương lai. Đối với những vấn đề mang tầm cỡ quốc gia, nếu có thể tiên đoán những điều tai hại sắp xảy ra thì có thể uốn nắn chúng nhanh chóng, nhưng nếu, vì không tiên đoán được, mà để chúng lan tràn đến mức ai cũng nhìn thấy thì đến lúc đó sẽ chẳng còn phương án đối phó nào hữu hiệu nữa (Yêu cầu của ông đối với Quân vương: phải có tầm nhìn xa, có nhãn quan chính trị).

Kết thúc chương 3, ông viết: Từ đó, có thể rút ra một quy luật chung hiếm khi sai, đó là: NGƯỜI NÀO ĐEM LẠI QUYỀN LỰC CHO KẺ KHÁC THÌ SẼ TỰ CHÔN VÙI CHÍNH MÌNH, bởi vì thế thượng phong có được là nhờ hoặc là mưu mô hoặc là bạo lực, và cả hai đều bị người đang nắm quyền ngờ vực.

2. Phương thức để thôn tính và cai trị các công quốc

*Phương thức cai trị những thị quốc hay công quốc đã từng có luật pháp trước khi bị thôn tính:

Machiavelli cho rằng: Khi những xứ bị thôn tính đã quen sống trong luật pháp của họ và từng hưởng tự do thì sẽ có ba việc mà kẻ muốn cai trị họ cần phải làm:

1. Đầu tiên là tàn phá; (Cuốn sách của quỹ dữ).

2. Phải thân hành sống ở đó

3. Cho phép họ sống với luật lệ riêng của họ, buộc họ cống nạp và dựng lên ở đó một chính quyền hữu bảo với mình.

Ông giải thích thêm: Bởi vì một chính quyền như vậy, do Quân vương dựng lên, sẽ hiểu rằng họ không thể tồn tại nếu không có sự hữu bảo và lợi ích mà Ngài ban tặng, và sẽ cố gắng tối đa để ủng hộ Ngài, và như thế Ngài có thể cai trị một thị quốc đã quen với tự do bằng chính dân chúng của thị quốc đó một cách dễ dàng hơn bất cứ cách nào khác.

Machiavelli dẫn chứng bằng lịch sử: Có hai minh chứng, đó là người Spart và người La Mã.

Người Spart chiếm Athens và Thebes, rồi dựng lên ở đó một chính quyền, nhưng rốt cuộc họ để mất cả hai thị quốc đó.

Người La Mã, để cai trị các xứ khác, đã phá hủy nó, và họ đã giữ được. Họ cũng muốn cai trị Hy Lạp theo cách của người Spart, tức là để nó tự do và cho phép duy trì luật lệ riêng, nhưng họ đã không thành công. Vì vậy, để cai trị được, họ buộc phải  hủy diệt nhiều thị quốc ở Hy Lạp, bởi vì thực tế thì không có cách nào an toàn để giữ chúng là tàn phá chúng. Và kẻ nào trở thành bá chủ của một thị quốc đã từng quen tự do mà không tàn phá nó thì sẽ có lúc bị nó tàn phá.

*Những phương thức thôn tính các vương quốc:

Thứ nhất, bằng binh lực và sự quyền biến của bản thân.

(Nguyên văn: Ability, tác giả chọn dịch là giỏi giang hoặc quyền biến).

Đối với những công quốc hoàn toàn mới, nơi có một Quân vương mới (trở thành vua từ địa vị là thường dân) thì ít nhiều sẽ có khó khăn trong việc cai trị, và như thế sẽ cần đến ít nhiều sự quyền biến của Quân vương. Sự thật là, khi trở thành Quân vương từ địa vị của một thường dân thì phải giả thiết rằng đó là nhờ GIỎI GIANG hoặc nhờ MAY MẮN, hai yếu tố này sẽ giảm bớt khó khăn đến một mức độ nào đó.

Những Quân vương ít dựa vào vận may hơn (có thể hiểu là giỏi giang, tài năng) sẽ thiết lập được vị thế tốt hơn.

Những người bằng khả năng của bản thân chứ không phải dựa vào vận may, đã đạt đến ngôi đế vương, như Moses, Cyrus, Romulus, Theseus và những người như họ, sẽ thôn tính các công quốc trong gian khó, nhưng sẽ giữ được chúng một cách dễ dàng. Ông nhấn mạnh rằng: Những người như họ gặp khó khăn lớn trên đường sự nghiệp, những hiểm nguy đều trên đà tăng lên, nhưng bằng quyền biến của mình, họ sẽ vượt qua tất cả; một khi đã vượt qua khó khăn, và những kẻ đố kỵ với thành công của họ bị tiêu diệt, thì họ sẽ trở nên mạnh mẽ, vững chắc, được vinh danh và hạnh phúc.

(Trong số các nhân vật nêu trên, chỉ có Vua Cyrus – người lập ra đế chế Ba Tư (599-529TCN) mới là một chính trị gia thật sự; theo Kinh thánh, Moses đã viết luật cho người Israel – mặc dù Thượng đế đã trao luật đó cho ông; Theo thần thoại, Romulus là Vua đầu tiên của La Mã vào năm 753TCN; còn Theseus là ông vua huyền thoại sáng lập nên thành bang Athens.

Machiavelli đặt vấn đề: Để hoàn thành sự nghiệp trọn vẹn thì họ nên kêu gọi hay nên sử dụng binh lực?

Với lựa chọn thứ nhất, họ sẽ phải luôn luôn thất bại và chẳng bao giờ làm được gì;

Với lựa chọn thứ hai, khi có thể nương tựa vào chính bản thân và sử dụng binh lực thì họ sẽ ít khi chịu đe dọa.

Theo Machiavelli, bản chất của con người là hay thay đổi, và mặc dù có thể thuyết phục họ một cách dễ dàng nhưng lại khó duy trì lòng tin của họ. Và bởi vậy cho nên cần phải áp dụng các biện pháp sao cho khi mà họ không tin nữa thì có thể sử dụng bạo lực để bắt họ tin (Cuốn sách của quỹ dữ).

Thứ hai, bằng tội ác.

Một Quân vương có thể đi lên từ địa vị thường dân bằng hai cách nêu trên, vận may hoặc giỏi giang, thì Machiavelli còn cho rằng, một ai đó trở thành Quân vương còn bằng con đường quỷ quái hay tàn ác. Tức Quân vương đạt được vương quốc bằng tội ác. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, sự quỷ quái tàn ác đó không phải là tài năng của Quân vương: "Không thể gọi là tài năng khi tàn sát đồng bào, lừa dối đồng minh, phản trắc, không biết xót thương và vô thần; những điều đó có thể đem lại cả đế chế nhưng không đem đến vinh quang".

 Machiavelli lưu ý rằng, khi chiếm một đất nước thì người chinh phục cần tính toán tất cả những điều ác phải làm và thực hiện chúng cùng một lúc để không phải lặp lại thường xuyên nữa; và như thế, do không làm cho dân chúng bất an nên Quân vương có thể trấn an và lấy lòng họ bằng lợi lộc.

Những kẻ làm ngược lại, cho dù vì run rẩy hay vì ma quỷ xui khiến, sẽ phải luôn cầm dao trong tay; y chẳng bao giờ dám tin vào thần dân mà thần dân cũng chẳng gắn bó với y, bởi những sai lầm liên tiếp và lặp lại của y. Vì thế, những tổn thương cần được giội xuống một lần thôi, để người ta nếm trải ít thôi, và như thế, oán hận cũng ít hơn; lợi lộc thì nên ban phát từng chút một, để hương vị của chúng có thể tồn tại dài lâu.

Và quan trọng hơn, bậc Quân vương phải cai trị bằng vi hành để không có bất kỳ một hoàn cảnh bất ngờ nào, dù tốt hay xấu, có thể khiến Ngài phải thay đổi; bởi nếu sự bức thiết đến vào lúc việc đã khó khăn thì chuyện áp đặt những biện pháp gắt gao đã là quá muộn; còn các biện pháp mềm mại thì không có ít gì, do chúng được xem là áp đặt, và chẳng ai có trách nhiệm gì với việc thực hiện chúng.

Thứ ba, sự ủng hộ của đồng bào (Công quốc dân sự).

Một trường hợp khác, khi mà một thần dân nổi bật trở thành một Quân vương của quốc gia do sự ủng hộ của đồng bào – trường hợp này có thể gọi là công quốc dân sự: Cả tài năng và vận may đều không cần thiết cho chuyện đạt đến vị trí đó, mà phải là một sự khôn ngoan tài tình. Để có được một công quốc như thế thì cần phải có hoặc là sự ủng hộ của dân chúng, hoặc là sự ủng hộ của giới quý tộc.

Ông nhấn mạnh rằng, kẻ nào có được vương triều nhờ giới quý tộc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì ngôi báu hơn so với người lên ngôi nhờ sự hậu thuẫn của dân chúng, bởi vì y ở giữa rất nhiều những người tự xem là mình bình đẳng với y, và vì thế y không thể buộc họ phải yêu quý mình.

Machiavelli cũng nhấn mạnh rằng, trở thành Quân vương nhờ sự hậu thuẫn của giới quý tộc thì trước hết phải tìm cách lấy lòng dân, và điều này cũng có thể là dễ dàng nếu Ngài có thể bao bọc họ. Bởi vì con người khi nhận được điều lành từ kẻ mà họ cho là sẽ độc ác thì sẽ gắn bó chặt hơn với kẻ đó (bản chất chính trị của con người); cho nên dân chúng sẽ nhanh chóng phụng sự Ngài còn hơn khi cả Ngài lên ngôi nhờ sự ủng hộ của dân chúng.

Ông nhấn mạnh: "Tuy nhiên, tôi nhắc lại, điều rất cần thiết cho Quân vương là phải làm cho dân chúng thân thiện, nếu không thì Ngài sẽ không thể nào yên ổn vào lúc suy vi".

Ngược lại, người lên ngôi nhờ sự ủng hộ của dân chúng sẽ ở vị thế độc tôn, không thấy có ai, hoặc có rất ít người, không muốn tuân phục mình.

Ông nhấn mạnh thêm: Những ai trở thành Quân vương nhờ sự hậu thuẫn của dân chúng sẽ cần duy trì sự thân thiện với họ, và đây là điều mà Ngài có thể thực hiện dễ dàng vì nguyện vọng duy nhất của người dân là không bị áp bức.

*Cách đánh giá sức mạnh của các vương quốc:

Machiavelli đặt câu hỏi: Liệu rằng một Quân vương có đủ sức mạnh để khi cần, có thể tự giúp bản thân với nguồn lực chính của mình, hay Ngài luôn cần sự giúp đỡ của người khác?

Trường hợp thứ nhất: Những người có thể tự giúp bản thân bằng nguồn lực của chính mình, là những người có thể, hoặc là với rất nhiều người hoặc rất nhiều tiền, tuyển mộ đủ quân đội để tham chiến chống lại bất cứ kẻ nào tấn công họ.

Trường hợp thứ hai: Những người luôn cần đến sự giúp đỡ của người khác là những người không dám ra mặt chống lại kẻ thù trên chiến trường, mà bị bắt buộc bảo vệ bản thân bằng cách ẩn náo phía sau thành lũy.

Ông nói rằng: Các thị quốc ở Đức hoàn toàn tự do và có rất ít đất đai xung quanh, và họ tuân lệnh hoàng đế khi họ thấy thỏa mãn; họ chẳng sợ cả hoàng đế lẫn những thế lực lân bang bởi họ củng cố thành lũy đến mức làm cho bất cứ ai cũng thấy rằng đánh chiếm họ bằng cách tấn công sẽ rất mệt mỏi và khó khăn, bởi họ có hào sâu và tường cao, có pháo binh hùng hậu, và luôn dự trữ lương thực, nước uống và chất đốt đủ cho một năm trong các kho chung.

Hơn nữa, để giữ cho dân chúng yên ổn và không xa rời chính quyền, họ luôn có cách để tạo công ăn việc làm cho cộng đồng ở những nơi công việc đã quen thuộc và là thế mạnh của mọi người; và người dân được hỗ trợ để theo đuổi các việc làm đó…

Ông kết luận: "Bởi vậy, vị Quân vương nào có một thành lũy mạnh, và không biến mình thành kẻ bị ghê tởm, thì sẽ không bị tấn công; hoặc nếu có bất cứ kẻ nào tấn công thì Ngài cũng chỉ thất bại khi bị thất sủng" (NBC: Đối với một vị vua, để củng cố địa vị của mình thì phải chăm lo đến dân, phải được lòng dân).

Cuối chương, Machiavelli kết luận: Bản chất của con người là cảm thấy mắc nợ với những lợi ích mà họ cho đi cũng nhiều như với những lợi ích mà họ nhận về. Vì thế, nếu mọi thứ được xem xét kỹ lưỡng thì sẽ là không khó cho một Quân vương khôn ngoan để giữ cho ý chí của người dân vững vàng ngay từ  ngày đầu đến ngày cuối, khi Ngài không bao giờ quên bảo vệ họ.

*Các công quốc thuộc Giáo hội.

Ngoài công quốc dân sự, còn phải bàn đến Công quốc thuộc Giáo hội. Đối với công quốc này thì mọi khó khăn đều xảy ra trước khi chiếm được nó, bởi vì chúng có thể được thôn tính hoặc là bằng khả năng hoặc vận may, và có thể cai trị được chúng mà không cần cả hai, chúng được duy trì bằng CÁC NGHI LỄ TÔN GIÁO, là toàn năng, và với tính chất như thế thì công quốc này có thể được cai trị tốt, trong khi bất chấp Quân vương của họ sống và ứng xử như thế nào. Những vị Quân vương này có quốc gia mà không bảo vệ nó, có thần dân mà không cai trị họ; và các quốc gia mặc dù không được bảo vệ cũng không rời khỏi tay các Ngài, rồi thần dân mặc dù không được cai trị cũng không quan tâm, và họ không có mong muốn lẫn khả năng để xa lánh các Ngài. Các công quốc này chỉ có AN LÀNH VÀ HẠNH PHÚC. Tuy nhiên, chúng được giữ gìn bởi quyền năng mà ý chí của con người không với tới, bởi Chúa tôn vinh và bảo vệ chúng.

3. Phương tiện để tấn công và bảo vệ đối với từng loại hình công quốc

Machiavelli khẳng định rằng, việc Quân vương xây dựng nền móng cho mình là quan trọng như thế nào, nếu không Ngài sẽ phải tiêu vong. Nền móng chủ yếu của tất cả các vương quốc, dù mới hay cũ hay hỗn hợp, là LUẬT PHÁP NGHIÊM MINH VÀ QUÂN ĐỘI MẠNH. Ông lý giải rằng, sẽ không có luật pháp nghiêm minh ở những quốc gia không có quân đội mạnh, cho nên ở đâu có quân đội mạnh thì tất phải có luật pháp nghiêm minh. Ở đây, Machiavelli chỉ bàn đến quân đội mà thôi.

Machiavelli cho rằng, quân đội mà Quân vương dùng để bảo vệ đất nước phải là quân đội của Ngài, hoặc họ là lính đánh thuê, là quân của đồng minh hay hỗn hợp:

Thứ nhất, lính đánh thuê thì vô dụng và nguy hiểm; và nếu ai đó bảo vệ đất nước dựa vào đội quân này thì sẽ không bao giờ có được sự ổn định cũng như an toàn; do bọn họ là những kẻ thiếu đoàn kết, tham lam, vô kỷ luật và không trung thành, hung hăng trước chiến hữu nhưng hèn nhát trước kẻ thù; họ không kính sợ Chúa và cũng chẳng trung thành với con người, và sự sụp đổ sẽ đến ngay khi bị tấn công. Bởi vì trong thời bình thì dân chúng bị cướp bóc còn trong chiến tranh thì bị kẻ thù cướp phá. Sự thật là họ không có tình cảm hay động lực nào để giữ vững trận địa ngoài khoản tiền công ít ỏi, không đủ để họ phải hy sinh vì Ngài. Họ đủ sẵn sàng làm lính của Ngài khi Ngài không gây chiến, nhưng nếu chiến tranh xảy ra họ sẽ bỏ chạy hoặc lén lút biến mất.

Tiếp đến, Machiavelli bàn đến sự bất cập của đội quân này: Những tay chỉ huy của đội quân này có thể giỏi hoặc không.

Nếu họ giỏi thì Ngài không thể tin họ bởi họ luôn khát khao sức mạnh cá nhân, hoặc bằng cách lấn át Ngài, là chủ nhân của họ, hoặc bằng cách áp chế những người khác, trái với ý nguyện của Ngài.

Nếu họ bất tài thì Ngài sẽ phải tiêu vong như lẽ tường tình.

Và nếu nói rằng bất cứ ai khi cầm vũ khí đều hành động như thế, cho dù có phải là lính đánh thuê hay không, thì tôi xin trả lời rằng khi phải dùng đến quân đội, hoặc bởi một Quân vương hay bởi một nền cộng hòa, thì Quân vương phải đích thân tham gia và nắm quyền chỉ huy; chính thể cộng hòa phải cử công dân của chính nó; nếu người được cử ra không thỏa mãn yêu cầu thì phải thay thế, và nếu người đó có năng lực thì phải kiểm soát bằng luật lệ để anh ta không xa rời kỷ luật. Và kinh nghiệm cho thấy rằng các Quân vương và chính thể cộng hòa, đơn thương độc mã, đã tiến những bước vĩ đại nhất, còn các đội quân đánh thuê thì chẳng làm gì ngoài chuyện phá hoại.

Ông còn lý giải thêm: Sẽ khó đánh chiếm một nền cộng hòa được vũ trang bằng chính công dân của mình hơn là nền cộng hòa được vũ trang bằng quân lính nước ngoài.

Thứ hai, quân đồng minh:

Quân đồng minh, là một loại quân vô dụng khác, được dùng đến khi một vị Quân vương cùng với lực lượng của mình được mời vào với mục đích trợ giúp và bảo vệ. Những đội quân này có thể hữu dụng và tốt với Tổ quốc của họ, còn đối với kẻ gọi họ vào hỗ trợ thì họ luôn là điều bất lợi. Bởi vì, nếu thất bại thì sự nghiệp của kẻ đó sẽ dang dở, còn nếu thành công thì kẻ đó sẽ trở thành tù nhân của họ.

Do đó, Machiavelli khuyên rằng: Hãy để cho những ai không muốn chinh phục sử dụng những quân đội này, bởi họ nguy hiểm hơn nhiều so với lính đánh thuê; nếu sử dụng họ thì sự suy vong của Ngài là tất yếu; họ đoàn kết trọn vẹn, tuân phục lẫn nhau trọn vẹn; trong khi đó thì lính đánh thuê, khi mà họ đã chiến thắng rồi, vẫn còn cần nhiều thời gian và cơ hội tốt hơn mới có thể gây hại cho Ngài, họ không phải là một khối thống nhất, họ được Ngài thuê và trả lương, và một tay khác, kẻ được Ngài đặt làm chỉ huy bọn họ, thì không thể ngay lập tức có đủ quyền lực để làm hại Ngài.

Như vậy: Điều nguy hiểm nhất ở lính đánh thuê là sự hèn nhát; còn ở ngoại binh là sự liều lĩnh.

Thứ ba, quân đội riêng:

Quân đội riêng là đội quân được hình thành từ các thần dân, công dân hay những kẻ dưới trướng; tất cả những đội quân khác đều là lính đánh thuê hay quân đồng minh.

Do đó, Quân vương khôn ngoan luôn tránh dùng lính đánh thuê và quân đồng minh, mà chuyển sang dùng quân đội của mình; và thà thất bại cùng quân đội của mình còn hơn là chiến thắng cùng quân đội của người khác, vì chiến thắng có được sẽ không phải là chiến thắng thực sự khi nhờ quân đội của kẻ khác.

Cuối chương, Machiavelli kết luận rằng: "Không một vương quốc nào có thể an toàn mà không có quân đội riêng; nếu không thì mọi chuyện sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào vận may chứ không có sự dũng cảm để bảo vệ đất nước trong gian nguy. Và một người khôn ngoan luôn luôn nhận thức và đánh giá được rằng không có gì thiếu chắc chắn và kém ổn định bằng danh tiếng hay quyền lực được tạo nên không bằng sức lực của mình" (Trang 118).

*Quân vương và binh pháp:

Bậc Quân vương không nên có mục tiêu hay tư duy nào khác, mà cũng không nên học bất cứ điều gì khác, ngoài CHIẾN TRANH VÀ CÁC QUY TẮC CỦA NÓ VÀ PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN; bởi đó là nghệ thuật duy nhất thuộc về người trị vì, và nó không phải là sức mạnh nâng bước những người sinh ra đã là Quân vương mà còn giúp người ta trở thành Quân vương từ địa vị thường dân.

Và ngược lại, có thể thấy rằng khi các Quân vương nghĩ nhiều đến chuyện dễ dãi mà không nghĩ đến quân sự thì họ sẽ mất nước.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến mất nước là coi thường nghệ thuật này; và cái sẽ giúp Ngài thôn tính một quốc gia chính là trở thành một bậc thầy về binh pháp.

Machiavelli còn khẳng định rằng, một trong những tai hại mà việc không được vũ trang gây ra là khiến Ngài bị coi thường, mà đây là một trong những nhục nhã mà bậc Quân vương phải tránh. Ông nói thêm: Bởi vì không hề có sự tương xứng nào giữa một kẻ có vũ trang và một kẻ không có vũ trang; và sẽ là vô lý khi một kẻ có vũ trang lại phải tuân phục một kẻ tay không, và một kẻ không có vũ trang lại được an toàn giữa bầy tôi có vũ khí. Bởi bên này thì khinh miệt, bên kia thì nghi ngờ nên họ không thể sống tốt với nhau được.

Và vì vậy, bậc Quân vương không hiểu binh pháp, ngoài những kẻ bất hạnh khác đã được nhắc đến, sẽ không được binh sĩ tôn trọng và Ngài cũng chẳng hề tin cậy họ. Cho nên Ngài không được ngừng suy nghĩ về NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH, và trong thời bình thì phải miệt mài hơn với chuyện rèn luyện hơn cả trong chiến tranh; những việc này được thực hiện bằng hai cách: Hành động và học tập.

Xét về hành động: Trên hết là Ngài phải giữ cho Quân đội của mình được tổ chức và luyện tập thật tốt, thường xuyên săn bắn, nhờ thế mà cơ thể quen với gian khổ, và ít nhiều biết về bản chất của địa hình, rồi tìm hiểu xem núi mọc lên như thế nào, thung lũng hình thành ra sao, đồng bằng nằm ở đâu, hiểu được đặc tính của sông ngòi và đầm lầy, và qua đó để trở nên cẩn thận cao độ.

Ông lý giải rằng: Những kiến thức này bổ ích theo hai cách:

Đầu tiên, họ học để hiểu về đất nước mình, và bảo vệ nó tốt hơn;

Sau đó, với sự quan sát và hiểu biết địa hình này, từ đó trở đi họ dễ dàng tìm hiểu thêm bất cứ điều gì khác cần học.

Và vị Quân vương thiếu những kỹ năng này là thiếu phẩm chất của một người chỉ huy cần có, bởi vì chúng dạy Ngài cách gây bất ngờ cho kẻ thù, cách chọn nơi đóng quân, dẫn quân, bố trí trận địa, và cách vây hãm thành phố để chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, để rèn luyện tư duy, Quân vương cần đọc sử, và học hỏi ở đó hành động của những người vĩ đại, xem cách họ giữ gìn bản thân trong chiến tranh, tìm nguyên nhân của chiến thắng và thất bại, để tránh thất bại và học hỏi cách chiến thắng; và trên hết, hãy hành động như những người vĩ đại đã từng làm, xem người khác được khen ngợi và nổi dậy trước mình là một tấm gương. Vị Quân vương khôn ngoan cần quan sát những nguyên tắc như thế, và không bao giờ nghỉ ngơi trong thời bình mà phải gia tăng tiềm lực cùng với sự chăm chỉ để có thể sẵn sàng khi chiến tranh, như vậy, nếu thời vận đổi thay thì Ngài cũng đã chuẩn bị để đương đầu với sự may rủi đó.

4. Những đức tính của Quân vương

*Sự ngợi ca và phê phán:

Machiavelli cho rằng: "Tìm hiểu sự thật về một vấn đề thì hay hơn là tưởng tượng về vấn đề đó; nhiều người đã vẽ ra những nền cộng hòa và công quốc chẳng bao giờ xuất hiện hay được nhìn thấy trên thực tế, bởi vì chuyện người ta sống như thế nào có khoảng cách rất xa với chuyện người ta nên sống như thế nào, rồi người ta thờ ơ với những gì đã làm để nghĩ về những gì đã nên làm, những chuyện này sẽ đưa đến sự diệt vong chứ không phải sự sống còn của họ, bởi vì người muốn sống hoàn toàn theo chuẩn mực đạo đức của mình sẽ sớm gặp  điều tệ hại sẽ hủy diệt anh ta trong số rất nhiều những tệ hại mà anh ta gặp phải" (trang 125 – 126).

Do đó, ông khẳng định rằng, việc một Quân vương muốn giữ mình thì phải biết cách làm chuyện sai trái là điều cần thiết, còn có sử dụng nó hay không thì tùy vào mức độ cần thiết. Như thế, hãy gác những chuyện tưởng tượng về Quân vương sang một bên, và ch bàn đến những gì là thật. Tôi cho rằng, tất cả mọi người khi được nói đến, và đặc biệt là các Quân vương ở vị trí cao sang, đều nổi bật vì những phẩm chất nổi bật làm cho họ hoặc là được khen ngợi hoặc là bị chê trách.

Bậc Quân vương phải đủ khôn ngoan để biết cách tránh những điều nhục nhã của những thói xấu có thể khiến ông mất nước; và cũng là để giữ mình, nếu có thể, tránh cả những thứ chưa đến nỗi làm mất nước; nhưng nếu không tránh được thì Ngài cũng không nên quá do dự  mà mặc kệ bản thân mình với chúng. Và xin nhắc lại, Ngài không cần bận tâm khi bị mang tiếng (phê phán) về những thói xấu mà nếu không có chúng thì việc giữ nước sẽ khó khăn, bởi vì khi xem xét một cách kỹ lưỡng mọi việc thì sẽ nhận thấy rằng có những việc nhìn thấy là đạo đức nhưng nếu làm theo thì sẽ bị tiêu vong; trong khi đó có những việc nhìn thấy là xấu nhưng nếu làm theo thì sẽ thịnh vượng.

*Quân vương cần có những đức tính nào?

Thứ nhất, Quân vương nên hào phóng hay keo kiệt?

Machiavelli cho rằng, sẽ là tốt khi nổi danh là hào phóng. Tuy nhiên, sự hào phóng được sử dụng mà không mang đến danh tiếng cho Ngài thì sẽ làm hại Ngài. Bất cứ ai muốn giữ gìn danh tiếng với mọi người xung quanh là hào phóng thì không thể tránh khỏi sự xa hoa; như vậy bậc Quân vương có khuynh hướng mua tất cả tài sản, và cuối cùng sẽ bắt buộc chèn ép dân chúng một cách quá đáng, rồi làm bất cứ điều gì để có tiền, nếu muốn giữ tiếng là hào phóng; điều này nhanh chóng làm cho Ngài đáng ghê tởm đối với dân chúng.

Do vậy, khi không thể thực hành đức tính hào phóng theo cách mà nó có thể để được nhìn nhận ngoài chuyện chi tiêu quá nhiều tiền, nếu khôn ngoan thì bậc Quân vương không nên sợ mang tiếng hà tiện, bởi vì đến lúc nào đó Ngài sẽ được coi trọng hơn chứ không phải là sự hào phóng.

Ông kết luận rằng: "Chẳng có gì lãng phí nhanh bằng sự hào phóng, bởi vì khi hào phóng thì Ngài đã và đang đánh mất sức lực dành cho hào phóng, và như thế sẽ trở thành nghèo túng hoặc bị khinh thường; nếu khác đi, muốn tránh nghèo túng thì Ngài sẽ phải tham tàn và đáng ghét. Trước hết bậc Quân vương phải bảo vệ mình tránh khỏi bị khinh thường và nghèo túng; mà sự hào phóng thì đưa Ngài tới cả hai. Vì thế, sẽ là khôn ngoan khi chấp nhận tiếng hà tiện, điều làm Ngài mang tiếng nhưng không bị ghét bỏ, còn hơn là bị buộc phải tìm kiếm tiếng tăm bằng tính hào phóng để rồi chịu tiếng là tham tàn, cái sẽ gây ra thù oán" (Trang 131).

Thứ hai, Quân vương nên độc ác hay nhân từ, được yêu hay bị sợ?

Machiavelli cho rằng, mọi Quân vương nên khao khát được xem là nhân từ chứ đừng độc ác. Tuy nhiên, Ngài cần phải cẩn thận để không để không phải sử dụng lòng nhân từ sai cách.

Còn nếu hỏi, giữa được yêu quý nhiều hơn hay được sợ nhiều hơn yêu quý thì điều nào tốt hơn? Có thể trả lời rằng, người ta nên muốn cả hai, nhưng bởi vì thật khó hợp nhất chúng trong cùng một người cho nên được sợ nhiều hơn được yêu sẽ an toàn hơn, nếu phải chọn một trong hai.

Cuối chương, ông kết luận: "Người ta yêu mến là do ý chí của họ và kính sợ là do ý chí của Quân vương, bậc Quân vương khôn ngoan nên đặt bản thân mình vào vị trí mà Ngài kiểm soát được chứ không phải để người khác kiểm soát; Ngài chỉ phải cố gắng để tránh bị oán ghét, như đã lưu ý mà thôi" (Trang 137).

 Thứ ba, Quân vương có nên giữ chữ tín hay không?

Mọi người nên biết rằng, bậc Quân vương biết giữ chữ tín, sống chính trực và không lừa dối là đáng được ca tụng.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng ta cho thấy rằng, những Quân vương làm nên những chuyện vĩ đại là những người ít giữ lời hứa, mà lại biết đánh lừa người ta bằng mưu mô, và cuối cùng vượt xa những người giữ chữ tín.

Machiavelli cho rằng, có hai cách để tranh đoạt:

Một là, bằng luật pháp;

Hai là, bằng vũ lực.

Cách thứ nhất thì thích hợp với loài người, còn cách kia dành cho loài thú, nhưng bởi vì cách thứ nhất thường là không đủ nên cần sử dụng đến cách thứ hai. Do vậy, bậc Quân vương phải biết cách đội cả lốt thú lẫn người. "Bậc Quân vương do buộc phải theo bản tính của dã thú một cách khôn ngoan, thì NÊN CHỌN CẢ CÁO LẪN SƯ TỬ; bởi vì sư tử không thể tự tránh được bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói. Thế nên, cần phải là cáo để phát hiện ra bẫy và là sư tử để dọa sói".

Vì vậy, một người cai trị khôn ngoan không thể, và cũng không nên, giữ lời khi mà sự trung tín như thế có thể gây hại cho Ngài.

Nhưng điều cần thiết là phải biết khéo léo ngụy trang tính cách này, và phải đóng vai một kẻ giả vờ đạo đức giả; con người khá đơn giản, và rất lệ thuộc vào nhu cầu trước mắt, cho nên kẻ nào muốn lừa dối thì sẽ luôn tìm được người sẵn sàng để mình bị lừa.

Mchiavelli khuyên: Bậc Quân vương không cần phải có tất cả những phẩm chất (nhân từ, trung tín, nhân đạo, có đức tin, chính trực), nhưng cần phải làm như có tất cả. Và ông còn cho rằng, có những phẩm chất này và luôn sống đúng như thế thì nguy hiểm, còn làm ra vẻ có chúng thôi thì lại hữu ích.

Ngoài bàn đến những đức tính mà Quân vương cần có, Machiavelli còn bàn đến những điều mà Quân vương cần tránh.

*Quân vương tránh bị khinh miệt và thù ghét

Machiavelli cho rằng, cái làm cho bậc Quân vương bị căm ghét nhiều nhất là SỰ THAM TÀN, chiếm đoạt tài sản và vợ con của thần dân, bậc Quân vương phải tránh xa cả hai chuyện đó.

Ông lý giải thêm: Khi tài sản và danh dự của họ không bị động tới thì đa số dân chúng sẽ sống trong toại nguyện, và Ngài chỉ còn đấu tranh với tham vọng của một thiểu số, là những kẻ có thể bị kiềm chế một cách dễ dàng bằng nhiều cách.

Quân vương cần TRÁNH: thất thường, nhỏ mọn, nhu nhược, bần tiện, thiếu quyết đoán. Vì điều này sẽ làm cho Ngài bị khinh miệt.

Quân vương CẦN:

Trong những việc làm của mình: cố gắng thể hiện sự vĩ đại, lòng dũng cảm, sự tôn nghiêm và sức mạnh;

Trong đối xử với thần dân: Ngài cần chứng tỏ rằng các phán quyết của mình không thể thay đổi; Ngài cần gìn giữ danh tiếng của mình sao cho không có kẻ nào có thể nghĩ rằng sẽ lừa dối hay dẫn dụ được Ngài.

Machiavelli nhấn mạnh: Vị Quân vương giành được sự kính trọng rất lớn là người tạo ra được những ấn tượng như vậy, và người có được sự kính trọng đó sẽ không dễ bị mưu hại; bởi vì, khi dân chúng đều biết Ngài là một người xuất sắc và sùng kính Ngài thì việc tấn công Ngài sẽ gặp phải khó khăn rất lớn. Vì lý do này, bậc Quân vương cần có hai nỗi sợ:

Một là, từ bên trong: Là thần dân của Ngài.

Hai là, từ bên ngoài: Những thế lực khác.

Đối với những thế lực khác, Ngài bảo vệ bằng cách vũ trang mạnh và có đồng minh tốt, vì nếu vũ trang mạnh thì ngài sẽ có binh sĩ tốt, mọi chuyện sẽ luôn bình yên ở bên trong khi bên ngoài bình yên, trừ khi bị khuấy động bởi âm mưu.

Còn đối với thần dân của mình, khi bên ngoài biến động thì Ngài chỉ phải quan tâm đến chuyện họ sẽ âm mưu ngấm ngầm, và Ngài có thể tự bảo vệ trước chuyện đó bằng cách tránh bị căm ghét và khinh miệt, và bằng cách làm cho  nhân dân hài lòng với Ngài, là điều cần thiết nhất mà Ngài phải làm.

Machiavelli cho rằng, đối với kẻ âm mưu thì chẳng có gì ngoài nỗi sợ hãi, ghen ghét và viễn cảnh bị trừng phạt đang làm y khiếp sợ.

Còn phía Quân vương: có ngôi vua, luật pháp, sự bảo vệ của bằng hữu và quốc gia đang che chở Ngài và thiện chí của người dân.

5. Những vấn đề khác

*Điều quan trọng nhất mà bậc Quân vương có thể có là gì?

Machiavelli cho rằng, bậc Quân vương không cần suy nghĩ nhiều đến các âm mưu khi mà nhân dân tôn kính Ngài; nhưng khi nhân dân thù địch và căm ghét Ngài, thì Ngài phải e sợ mọi thứ và mọi người. Các quốc gia được tổ chức tốt và những Quân vương khôn ngoan đã chăm nom mọi cách để không đẩy tầng lớp quý tộc đến đường cùng, giữ cho dân chúng hài lòng và thỏa mãn, bởi đây là những thứ quan trọng nhất mà bậc quân vương có thể có.

Để bảo vệ vương quốc được an toàn hơn, các Quân vương thường xây những pháo đài – nơi có thể dùng để chế ngự những kẻ có âm mưu tấn công các Ngài, và cũng là nơi để trú ẩn khi bị tấn công trước.

Machiavelli còn nói rằng: Vị Quân vương nào e sợ thần dân của mình hơn là quân ngoại bang thì nên dựng pháo đài; còn vị Quân vương nào sợ quân ngoại bang hơn thần dân của mình thì đừng bận tâm đến việc đó.

Pháo đài khả dĩ tốt nhất chính là không bị dân chúng căm ghét, bởi vì cho dù Ngài có thể  giữ được pháo đài nhưng nó lại không thể cứu Ngài nếu nhân dân căm ghét Ngài, lý do là không bao giờ thiếu những kẻ ngoại bang sẵn sàng hỗ trợ cho dân chúng khi họ đã vũ trang chống lại Ngài.

Ông khuyên rằng, bậc Quân vương cũng nên thể hiện bản thân mình là người chuộng tài năng, và vinh danh những kẻ tài giỏi trong mọi lĩnh vực. Đồng thời Ngài nên khuyến khích thần dân theo đuổi nghề nghiệp của họ một cách bình yên.

Ngài nên cho dân chúng tiêu khiển với các lễ hội và các màn trình diễn vào những mùa thuận tiện trong năm; do mỗi thị quốc thường được chia thành các phường hội hoặc cộng đồng nên Ngài cần tôn trọng các thiết chế này, và thỉnh thoảng cần gặp gỡ họ, cho họ thấy bản thân mình là tấm gương về lòng nhân từ và hào phóng; tuy nhiên, ông cũng khuyên rằng, Ngài phải luôn giữ được sự tôn nghiêm của đấng Quân vương, vì thế Ngài không bao giờ được chấp nhận hạ thấp mình trong mọi hoàn cảnh.

*Quân sư của Quân vương

 Đánh giá đầu tiên về những gì làm nên bậc Quân vương và trí tuệ của Ngài, là bằng cách nhìn vào những kẻ cận Ngài.

Khi họ giỏi giang và trung thành thì Ngài luôn được đánh giá là khôn ngoan, bởi vì Ngài biết cách dùng những kẻ tài năng và giữ được lòng trung thành của họ.

Còn khi họ không được như thế thì không thể có đánh giá tốt về Ngài, bởi sai lầm căn bản mà Ngài mắc phải là lựa chọn họ.

Machiavelli cho rằng, có một phép thử chưa bao giờ sai có thể giúp bậc Quân vương đánh giá được cận thần của Ngài; khi Ngài thấy kẻ cận thần suy nghĩ nhiều cho lợi ích của bản thân hơn cho Ngài, và âm thầm tìm kiếm lợi ích cho bản thân trong mọi việc thì kẻ đó không phải là cận thần tốt, mà Ngài cũng chẳng bao giờ có thể tin y; bởi vì một kẻ đã nằm trong tay giang sơn của người khác thì không bao giờ nên nghĩ về bản thân mình, mà phải luôn nghĩ đến chủ tướng.

Mặt khác, để giữ cho cận thần trung thực, Quân vương cần tìm hiểu kẻ đó, vinh danh, ban phát của cải, dành cho những điều tử tế, chia sẻ với kẻ đó niềm vinh dự và sự quan tâm. Như vậy, khi mà cận thần, và cách mà Quân vương đối đãi cận thần được như vậy thì hai bên có thể tin cậy lẫn nhau, còn nếu ngược lại, thì kết cục luôn là tệ hại đối với hoặc bên này hoặc bên kia.

*Quân vương cần tránh những kẻ xu nịnh?

Bậc Quân vương, nên chọn ra những kẻ khôn ngoan trong nước và cho riêng họ quyền tự do nói thật với Ngài, và chỉ nói về những chuyện mà Ngài yêu cầu; nhưng Ngài nên hỏi họ về tất cả mọi thứ và lắng nghe ý kiến của họ, để cuối cùng rút ra kết luận của mình.

Ông nhấn mạnh rằng: Với các quân sư này, Ngài nên thể hiện sao cho mỗi người trong họ hiểu rằng càng phát biểu thoải mái thì họ càng được trọng dụng; ngoài những người này, Ngài không nên nghe theo ai khác, mà hãy kiên định với vấn đề đang theo đuổi và vững vàng trong các quyết định của mình. Nếu làm ngược lại, ngài sẽ bị hoặc những kẻ xu nịnh lật đổ, hoặc thay đổi ý kiến quá thường xuyên dẫn đến bị coi thường.

Do vậy, Quân vương nên tìm kiếm lời khuyên, nhưng chỉ khi Ngài muốn chứ không phải khi người khác muốn. Ngoài ra, Quân vương nên khuyến khích mọi người đừng đưa ý kiến trừ khi Ngài hỏi tới; tuy nhiên, Ngài phải là một người TÌM KIẾM ý kiến thường xuyên, và sau đó là một người LẮNG NGHE KIÊN NHẪN đối với những chuyện mà Ngài yêu cầu.

Machiavelli còn cho rằng: Nếu bậc Quân vương còn chưa nhiều kinh nghiệm mà lại nhận lời khuyên từ nhiều người thì Ngài sẽ không bao giờ có được ý kiến thống nhất. Mỗi quân sư nghĩ đến quyền lợi riêng của họ, và Quân vương sẽ không biết cách kiểm soát hay hiểu thấu được họ. Và họ không làm khác được, bởi vì con người sẽ luôn không trung thực với ta trừ khi ta buộc họ phải trung thực bằng cách cưỡng ép (BẢN CHẤT CON NGƯỜI). 

Vì vậy, cần phải ngầm hiểu rằng những quân sư giỏi, cho dù ở đâu ra chăng nữa, có mặt trên đời này là nhờ sự khôn ngoan của Quân vương, chứ không phải là nhờ các quân sư giỏi mà Quân vương mới có được sự khôn ngoan. (Suy ngẫm).

*Lời kêu gọi giải phóng nước Ý:

Cuối tác phẩm, Machiavelli đưa ra lời kêu gọi giải phóng nước Ý khỏi những kẻ man rợ.

Đọc lời kêu gọi giải phóng nước Ý, chúng ta thấy được nỗi thống khổ, áp bức, tủi nhục của người dân nô lệ mất nước và ước vọng giải phóng nhân dân và đất nước Ý của Machiavelli. Nhưng trên hết, trong ước vọng đó của ông, vương quyền luôn gắn liền mật thiết với dân quyền (những điều tốt đẹp cho người dân nước Ý).

Ông viết: "Vì thế, đừng để cơ hội này trôi qua để cuối cùng nước Ý có thể thấy người giải phóng nó xuất hiện. Không ai có thể diễn tả được tình yêu mà Ngài sẽ nhận được từ những miền đất đã phải chịu đựng quá nhiều những cặn bả ngoại bang này, cùng với khát vọng báo thù, với lòng trung thành ngoan cường, với sự tận hiến và với những giọt nước mắt. Có cánh cửa nào đóng lại với Ngài? Có ai từ chối tuân phục Ngài? Có sự ghen tị nào ngăn cản Ngài? Có người Ý nào không dành cho Ngài lòng tôn kính? Đối với tất cả chúng ta, sự thống trị kia thật là thối tha. Vậy nên, dòng họ huy hoàng của Ngài hãy nhận lấy sứ mạng này với lòng dũng cảm và hy vọng để sự nghiệp chính nghĩa được hoàn thành. Để rồi, dưới ngọn cờ của nó quê hương chúng ta sẽ trở nên cao quý, và dưới sự che chở của nó những câu thơ của Petrarch sẽ được minh chứng:

Trí nhân sẽ thắng cường bạo

Và trận chiến sẽ chẳng còn bao lâu

Trong dòng máu La Mã ngày xưa, lòng can đảm không bao giờ tắt

Cũng không bao giờ chết đi, trong lồng ngực người Ý hôm nay".

III. ĐÁNH GIÁ VỀ MACHIAVELLI VÀ QUÂN VƯƠNG

1. Tên tuổi và ảnh hưởng của Machiavelli

Các tác phẩm của ông, đặc biệt là Quân vương đã nổi tiếng trong suốt gần 5 thế kỷ và thậm chí tên tuổi của ông đã trở nên quen thuộc với hàng triệu người chưa từng đọc tác phẩm của ông. Nhưng đối với rất nhiều người, ông bị chỉ trích là một kẻ rao giảng loại chính trị vô đạo đức và là đồng minh của quỷ dữ.

Vậy tại sao lại có nhiều đánh giá trái chiều về Machiavelli như vậy?

*Đánh giá tích cực:

Francis Bacon (1561-1626) đã nhận xét như sau: “Chúng ta chịu ơn Machiavelli và các tác giả đã viết về những điều mà con người làm chứ không phải điều con người nên làm”. Điều đó có nghĩa là, Machiavelli như một người quan sát và miêu tả chân thực bản tính của con người, tức ông đã viết nên điều có thật về bản tính của con người. Chính điều đó đã mang lại giá trị cho ông và tác phẩm của ông sáng tác.

Các tác giả đương đại đều xem Machiavelli là người sáng lập ra hệ tư tưởng chính trị học hiện đại. Có thể thấy, đánh giá rất đề cao vai trò và công lao của ông.

*Đánh giá tiêu cực:

Đối với phần đông mọi người, Machiavelli vẫn bị mang tiếng xấu là một kẻ thủ đoạn, nham hiểm, phản trắc.

Thomas Hobbes (1588 – 1679) – nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng rất lớn và là người chủ xướng luận thuyết cơ bản về chế độ quân chủ chuyên chế, đã sử dụng những phán xét cay nghiệt của Machiavelli về bản tính mưu mô, quỷ quyệt của con người để đưa ra yêu cầu về một chính quyền mạnh nhằm giữ cho các cá nhân không làm hại nhau và tránh suy thoái xã hội.

2. Về phương pháp sử dụng trong tác phẩm

Trong Quân vương, Machiavelli đã sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp đưa ra các kết luận trên cơ sở những ví dụ trong lịch sử, cũng như trong thời đại của chính ông, và đây trở thành phương pháp nghiên cứu khoa học chính trị hiện đại (Do đó mà người ta xem ông là người sáng lập ra hệ tư tưởng chính trị học hiện đại). Ngay cả Montesquier – tác giả cuốn Bàn về tinh thần pháp luật cũng chịu nhiều ảnh hưởng của phương pháp này.

Machiavelli không chỉ có ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng chính trị mà còn trực tiếp tác động tới những hành động chính trị. Những nhà phê bình có thái độ thù địch với ông cho rằng, các nhà cai trị độc tài như Napoleon I và Hitler đã coi Quân vương như cuốn cẩm nang để tranh giành quyền lực.

Tuy nhiên, hầu hết các học giả đã coi lời buộc tội này là một sự hiểu lầm cơ bản. Mục đích của Machiavelli là miêu tả những thực tế của đời sống chính trị chứ không phải để tạo ra những bạo chúa. Bởi một điều chắc chắn rằng là rất nhiều chính khách đã học hỏi được rất nhiều khi đọc Quân vương. Nhưng nếu những sự thật mà Machiavelli phơi bày được các nhà độc tài của thế kỷ XIX, XX như Napoleon và Hitler áp dụng, thì thực tế này đã cho chúng ta thấy: Machiavelli đã hiểu được tận gốc rễ khía cạnh chính trị của bản chất con người, như lời nhận xét của Francis Bacon về ông.

3. Ảnh hưởng của Machiavelli đến hai lĩnh vực khác của đời sống chính trị

Một là, Machiavelli là một người yêu nước nồng nàn.

Chúng ta thấy rằng, ông sống vào thời kỳ nước Ý bị chia nhỏ thành nhiều công quốc và thành bang, nhưng ông gắn bó rất nhiều với Florence, thành phố quê hương.

Trong tác phẩm Quân vương, ở chương cuối ông đã đưa ra Lời kêu gọi giải phóng nước Ý khỏi nạn ngoại xâm. Chính điều này đã làm thức tỉnh lòng yêu nước của người dân nước Ý và báo hiệu về một nước Ý thống nhất. Nhưng phải đợi hơn ba thế kỷ sau, mong ước này của ông mới thành hiện thực, khi vào năm 1861, nước Ý mới hoàn toàn thống nhất, thoát khỏi ách đô hộ và chiếm đóng của các lực lượng ngoại bang, còn khi ấy Machiavelli – được thừa nhận là nhà tiên tri của chủ nghĩa yêu nước hiện đại. Tuy có hơi muộn màng đối với Machiavelli (một người tài hoa lỗi lạc nhưng cuộc đời đầy sóng gió), nhưng đó cũng là sự thừa nhận ông và những đóng góp của ông đối với khoa học chính trị hiện đại, điều mà khi còn sống đã không được chấp nhận.

Hai là, Machiavelli - Nhà tư tưởng quân sự

Ông đã có những đóng góp vĩ đại với tư cách là một nhà tư tưởng quân sự. Ông được nhìn nhận là người sáng lập của môn khoa học quân sự hiện đại. Cuốn Binh pháp Nghệ thuật chiến tranh của ông đã đặt nền móng cho kỹ thuật quân sự hiện đại. Nói một cách tổng quát hơn, những luận điểm của ông trong cuốn Quân vương về việc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt, nắm giữ và tăng cường quyền lực chính trị là nền tảng vững chắc cho những công trình nghiên cứu của nhà lý luận quân sự vĩ đại Carl von Clausewitz (1780 – 1831) – tác giả cuốn Luận về chiến tranh (1833).

Lịch sử cho thấy, Machiavelli đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ độc giả. Bởi vì, chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều từ ông về BẢN CHẤT CHÍNH TRỊ CỦA CON NGƯỜI và tư tưởng của nhân loại vào thời kỳ Phục Hưng. Đây là những bài học quan trọng và rất quý báu. Điều đó còn nằm trong chính tấm gương của ông – một con người tiêu biểu của thời kỳ Phục Hưng.

Ông là con người luôn hành động, một chính khách và là nhà ngoại giao. Ông cũng là con người của thơ văn với những công trình kinh điển trong lĩnh vực chính trị học, lịch sử, và thậm chí cả sân khấu kịch (Vở kịch Mandragola do ông viết kịch bản được đánh giá là vở hài kịch vĩ đại nhất của nước Ý). Vì ông đã dùng kinh nghiệm tham gia chính sự của mình làm chất liệu cho tác phẩm này. Đồng thời, ông đã dựa vào tài thơ văn, học vấn uyên thâm và trí tuệ của mình để vượt qua những rối ren, thậm chí rất nguy hiểm của chính sự. Do đó, Machiavelli được xem là một tấm gương về sự uyên bác, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng và hành động. Chính điều này đã giúp ông được đánh giá rất cao trong thời Phục Hưng.

4. Giá trị tác phẩm

Các nhà tư tưởng như: Hume, Rousseau, Montesquieu đã ca ngợi con người xứ Florence này như nhà tư tưởng hiện đại đầu tiên trình bày về bản chất của chính thể chính trị. Thậm chí sau đó, trong thời kỳ đấu tranh thống nhất nước Ý vào thế kỷ XIX, người dân nước Ý đã coi chương cuối của Quân vương là sự báo hiệu về một Tổ quốc mới.

Ngay trong thời đại này, cuốn sách cũng gợi ra nhiều cách hiểu khác nhau. Quân vương được coi là tác phẩm đầu tiên phân tích sự lãnh đạo của các lãnh tụ chính trị cũng như xác lập tính độc lập của chính trị với thần học.

Mục đích duy nhất thể hiện trong các tác phẩm của Machiavelli, kể cả Quân vương – tạo dựng một thể chế chính trị ổn định và vững mạnh có thể biện hộ cho những hành động bị coi là ngang ngược và phi đạo đức theo các chuẩn mực truyền thống của đạo Kitô. Vương quốc phải được lãnh đạo bởi vị Quân vương nào biết tự bảo vệ bằng quân đội gồm những công dân tự do và biết giành lấy quyền lực từ sự mến phục của thần dân.

Theo Machiavelli, không thể cai trị quốc gia bằng tôn giáo. Vượt xa việc chỉ đơn thuần loại bỏ yếu tố đạo đức khỏi đời sống chính trị, ông đã đưa ra một hệ thống các nguyên tắc đạo đức mới có tính đột phá, hoàn toàn đối nghịch với đòi hỏi nghiêm khắc của hệ tư tưởng Kitô giáo truyền thống.

Machiavelli phân biệt rạch ròi giữa việc theo đuổi các nguyên tắc đạo đức và mục tiêu thực tiễn. Khi bước vào lĩnh vực chính trị, ông khuyên rằng: “Bậc Quân vương, do buộc phải theo bản tính của dã thú một cách khôn ngoan, thì nên chọn cả cáo lẫn sư tử; Bởi vì sư tử thì không thể tự tránh được bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói”.

Thay vì đưa ra các bức tranh đạo đức về một Quân vương Kitô giáo cai trị các thần dân trung thành như người chăn cừu bảo vệ đàn cừu dễ bảo, thì ông tập trung vào thế giới chính trị học đầy quyền lực.

Đọc Quân vương của Machiavelli, các độc giả ham thích chính trị học không khỏi ngạc nhiên vì sự giống nhau giữa những nhận xét lạnh lùng về bản tính của con người và những luận điểm trong tác phẩm của Hàn Phi Tử - một trong những tác phẩm chính trị học đầu tiên của thế giới ra đời trước Quân vương trên 1700 năm.

 

KẾT LUẬN:

- Quân vương là cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều thế hệ chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới.

- Tác phẩm đã hội tụ những nguyên tắc làm nền móng cho khoa học quản trị nói chung và chính trị học nói riêng.

- Qua tác phẩm, người đọc sẽ tìm ra được chân dung một vị Quân vương hình mẫu:

+ Keo kiệt hay rộng lượng.

+ Độc ác hay nhân từ.

+ Thất hứa hay giữ lời hứa đi ngược lại lợi ích của mình.

+ Phải làm gì để tránh bị dân chúng căm ghét.

+ Phải thực thi những hành động lớn lao để nâng cao uy tín của mình.

Nhận xét về tương lai của Quân vương:

 Một nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng: “Người ta sẽ luôn đọc nó chừng nào con người vẫn chưa thôi chơi cái trò nguy hiểm nhưng hấp dẫn có tên là “chính trị” kia. Ở mọi thời đại, cuốn sách này sẽ luôn thức thời vì nó đề cập đến một vấn đề được quan tâm nhất nhưng không phải ai cũng với tới và giải quyết nó một cách êm thắm, đó là vấn đề quyền lực”./.

(Người thực hiện: ThS. Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Khoa LLCS)

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: