Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.825.366
Hôm qua:704
Hôm nay:606

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

Nhận diện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng và những giải pháp đấu tranh, phản bác của cán bộ, đảng viên hiện nay

10:31 | 21/12/2023 145

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn[1]

Tóm tắt: Sau hơn 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đưa dân tộc ta thoát khỏi nước nghèo trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng GDP nằm trong nhóm tăng trưởng cao hàng đầu của thế giới; cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh được củng cố, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; vai trò vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức hết sức to lớn, trong đó có nguy cơ “DBHB” với nhiều thủ đoạn, nhiều hình thức và phương tiện khác nhau. Bài viết đề cập đến việc nhận diện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước trên không gian mạng và các giải pháp đấu tranh, phản bác của cán bộ đảng viên.

Từ khoá: đấu tranh, phản bác, không gian mạng, diễn biến hòa bình.

 

1. Nhận diện một số đặc điểm của âm mưu “diễn biến hoà bình” (DBHB) trong tình hình hiện nay

Tình hình thế giới những năm qua diễn biến hết sức phức tạp và khó lường tuy nhiên xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chính, cục diện thế giới đang chuyển dần từ đơn cực sang đa cực, sự cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các nước lớn đều điều chỉnh chiến lược theo hướng tăng cường sức mạnh; đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc; đẩy mạnh liên kết, liên minh, tập hợp lực lượng mới; hình thành các khối... có xu hướng đối đầu nhau tạo nên nhưng căng thẳng, xung đột, nhất là gần đây khi Mỹ và Nato đẩy mạnh bao vây, cấm vận Nga, tạo cớ buộc Nga phải tiến hành Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraina, gây ra xung đột vũ trang hết sức căng thẳng và ác liệt, đẩy châu Âu và thế giới cận kề miệng hố chiến tranh, suy giảm về kinh tế...

Chủ nghĩa đế quốc tiếp tục thực hiện âm mưu “DBHB”, cách mạng màu, tạo ra nhiều cuộc chiến tranh với hậu quả nặng nề cho nhiều dân tộc (Apganistan, Irac, Libi, Xiri, Ucraina...) gần đây tình hình trên bán đảo Triều Tiên diễn biến hết sức phức tạp, Mỹ - Hàn - Nhật tiến hành diễn tập, Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; tình hình xung đột quân sự giữa lực lượng Hamas với Ixraen tạo nên lò lửa chiến tranh ở khu vực Trung Đông, có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực, xung đột tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh phi truyền thống xảy ra ở nhiều nơi.

Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Mỹ tiếp tục cùng các nước như Anh, Pháp, Úc và một số nước Đông Nam Á diễn tập trong khu vực; Trung Quốc lợi dụng việc đó ngày càng có những hành động hung hăng, tiến hành nhiều cuộc diễn tập Hải quân, đưa lực lượng hải cảnh , ngư chính, tàu khảo sát, dân quân biển... xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, đất nước đang đứng trước những nguy cơ, thách thức hết sức to lớn, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và các biểu hiện của “tự diễn biến, tự chuyển hoá” trong nội bộ; những nguy cơ này nếu không giải quyết có hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ và kìm hãm sự phát triển của đất nước mà chúng ta không được phép xem thường.

Từ tình hình trên, đặc điểm nổi bật của nhiệm vụ phòng chống “DBHB” trong giai đoạn hiện nay có những điểm mới như sau:

- Âm mưu xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch là nhất quán không bao giờ thay đổi; ngày 02/02/2023, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết lên án CNXH với những vụ cáo bịa đặt hết sức thâm hiểm nhằm chống lại CNXH. Chúng đẩy mạnh thực hiện Chiến lược “DBHB” một cách toàn diện, quyết liệt, xảo quyệt và hết sức thâm độc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin chống phá ta hết sức quyết liệt trên không gian mạng[2].

- Phòng, chống “DBHB” trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu và toàn diện... dẫn đến có sự tác động cả mặt tích cực và tiêu cực vào nước ta.

- Phòng, chống “DBHB” trong khi Việt Nam có quan hệ đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện với hầu hết các nước lớn, các nước đã từng xâm lược đất nước ta. Đây là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu “DBHB” chống phá nước ta.

- Phòng, chống “DBHB” trong khi nội bộ ta có một bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá. Đây là mảnh đất tốt để “DBHB” tiến công vào chế độ ta, chuyển hoá thành tự diễn biến và là nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ mà Lê - Nin và Hồ Chí Minh đã dự báo.

- Phòng chống “DBHB” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng bộc lộ âm mưu độc chiếm biển Đông, can dự và có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền biển đảo nhiều nước trong khu vực trong đó có nước ta. Các thế lực thù địch lợi dụng kích động chia rẽ , gây đối đầu giữa hai nước.

- Phòng, chống “DBHB” trong bối cảnh mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nguy cơ đối đầu chính trị, kinh tế, dẫn đến xung đột vũ trang và sự chọn phe đặt ra những sự lựa chọn dễ dẫn đến mất độc lập tự chủ ở các nước nhỏ.

2. Nhận diện các quan điểm sai trái thù địch chống phá ta trên không gian mạng trong tình hình hiện nay

Trong cuộc đấu tranh phòng chống “DBHB” luôn đi liền với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và trên không gian mạng nói riêng. Để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả thì việc nhận diện các loại quan điểm sai trái, thù địch mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để nhận diện rõ ta có thể phân loại các quan điểm sai trái , thù địch chống phá ta trên không gian mạng theo hai cách, đó là:

Phân loại theo tính chất, có thể phân ra hai mức độ

* Quan điểm sai trái, đó là những quan điểm nói, viết trên không gian mạng chưa đến mức thù địch song thể hiện cách nói, cách viết trái với đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trái với Học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc, bóp méo lịch sử... Những quan điểm này thể hiện sự nhận thức chưa đúng về lý luận và thực tiễn, hoặc bị tác động của các thế lực thù địch trong “DBHB” đã có nhận thức sai lệch và bộc lộ quan điểm sai trái. Thường những quan điểm này nẩy sinh từ trong nội bộ của ta.

* Quan điểm thù địch, đó là những quan điểm nói, viết, tuyên truyền trên không gian mạng với nội dung cố tình phủ nhận Học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận con đường đi lên CNXH; phủ nhận đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ nhận thành quả cách mạng, cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; ca ngợi một chiều CNTB, bôi nhọ, nói xấu, đi đến đòi xoá bỏ chế độ XHCN của nước ta... Thường những quan điểm này bộc lộ từ các tổ chức phản động, các thế lực thù địch, lực lượng cơ hội chính trị, trở cờ chống phá chế độ.

Tuy nhiên, cách phân loại này cũng chỉ tương đối vì nó có thể chuyển hoá từ sai trái sang thù địch..., do đó ta cần có cách nhìn biện chứng và hết sức cụ thể để nhận diện cho đúng đắn, khoa học.

Phân loại theo nhóm nội dung

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn ba chục năm qua đã đạt được những thành tựu rất to lớn, thì cũng nẩy sinh những vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Đó cũng là quy luật, bởi thực tiễn luôn luôn vận động, biến đổi, luôn làm nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi con người phải giải quyết. Chính thực tiễn đổi mới cũng đang đặt ra nhiều vấn đề mới trên tất cả các lĩnh vực đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải kịp thời giải quyết. Trong tình hình ấy, lực lượng cơ hội chính trị và các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn, yếu kém của ta tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, với những quan điểm sai trái, thù địch rất đa dạng, xảo quyệt, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa trực diện, vừa ẩn mình... nhưng có thể quy về nội dung để chúng ta nhận diện 6 nhóm chủ yếu nổi lên như sau:

Những quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng với các biểu hiện rất đa dạng

Quan điểm cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là đúng đắn nhưng chỉ đúng đắn trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí. Còn hiện nay, nhân loại đã chuyển sang cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế tri thức, kinh tế số, thì Chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp...

Cũng có quan điểm cho rằng sự phát triển của nhân loại ,thế giới là sự phát triển của quá trình thay đổi “quyền lực”. Chẳng hạn, Alvin Toffler cho rằng “quyền lực” trong quá trình vận động và phát triển của chính bản thân nó đã trải qua các giai đoạn phát triển: từ “bạo lực quyền, đến của cải quyền, rồi đến tri thức quyền”. Nghĩa là thuở hoang sơ, phải dùng sức mạnh mới có quyền lực; sau đó kẻ nào có tiền là có quyền lực và đến hiện nay, ai có tri thức là có quyền lực (trí quyền); nếu thoáng qua chúng ta thấy có vẻ hợp lý; nhưng cái chính mà Alvin Toffler muốn hướng đến là phủ nhận vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, cho rằng tầng lớp trí thức mới đóng vai trò này trong xã hội hiện đại. Thực chất nếu tách quyền lực ra khỏi sản xuất vật chất, ra khỏi kinh tế thì quyền lực không còn cơ sở để tồn tại. Xét về bản chất, quyền lực vẫn do kinh tế quyết định. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ph.Ăngghen khi phê phán Đuyrinh vì không hiểu bạo lực đã viết “vậy một lần nữa, bạo lực lại do tình hình kinh tế quyết định, tình hình kinh tế cung cấp cho bạo lực những phương tiện để tạo ra và duy trì những công cụ bạo lực”, do vậy quan điểm này hoàn toàn sai cả về lý luận và thực tiễn.

Quan điểm khác cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin do C.Mác, Ph.Ăngghen sáng lập, được V.I.Lênin phát triển là sản phẩm của sự phát triển kinh tế, văn hóa của châu Âu mà đó lại là châu Âu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do vậy, đối với châu Âu hiện nay cũng đã không còn phù hợp, cho nên với châu Á lại càng không phù hợp , bởi lẽ châu Á có sự phát triển kinh tế , văn hóa, phong tục, tập quán khác châu Âu từ đó khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin không phù hợp với Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Triều Tiên,... còn tư tưởng Hồ Chí Minh lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng dẫn đến tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể và không nên vận dụng ở Việt Nam. Vì vậy, không nên lấy học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam.

Đúng là các châu lục khác nhau có những đặc thù khác nhau, nhưng như thế không có nghĩa mỗi châu lục phải có nền toán học, vật lý, hóa học, hay khoa học khác nhau. Các tri thức khách quan, các quy luật khách quan không phụ thuộc vào ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, chỉ phụ thuộc vào nội dung khách quan mà nó phản ánh. Đúng như V.I.Lênin đã viết “Những khái niệm của con người là chủ quan trong tính trừu tượng của chúng, trong sự tách rời của chúng, nhưng là khách quan trong chỉnh thể, trong quá trình, trong kết cuộc, trong khuynh hướng, trong nguồn gốc”. Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX, nhưng luôn được bổ sung, phát triển và dù được trình bày bằng ngôn ngữ nào thì nó vẫn phản ánh đúng quy luật vận động khách quan của lịch sử loài người, trong đó có quy luật: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Chính vì vậy, giai cấp tư sản không thích thú gì với học thuyết khoa học chỉ ra rằng chính họ - chính giai cấp tư sản - sẽ bị sụp đổ cả.

Quan điểm đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu với sự sụp đổ của CNXH, sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, họ ca ngợi mô hình CNXH dân chủ. Cho rằng chính CNXH dân chủ là mô hình phát triển phù hợp với thế giới đương đại, vừa tích hợp được những mặt mạnh của chủ nghĩa tư bản với mặt mạnh của CNXH. Hơn nữa, có một số ý kiến cho rằng những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặc dù có những bất cập nhất định nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường được giải quyết tốt hơn các nước đi theo CNXH. Hơn nữa, các nước đi theo CNXH thường xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán, cản trở xã hội phát triển lành mạnh. Họ thường đồng nhất những yếu kém, hạn chế của CNXH hiện thực, hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng cho sự không đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin.

Những loại ý kiến này đều sai lầm ở một điểm là đồng nhất một mô hình CNXH sai lầm đã bị sụp đổ với chủ nghĩa Mác - Lênin và CNXH nói chung. Họ cố tình làm ngơ trước những thành tựu của cải cách, mở cửa, đổi mới ở Việt Nam, Trung Quốc...

Quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Biểu hiện của loại này cũng đa dạng như cho rằng sự ra đời của Đảng là sai lầm; đòi đa nguyên chính trị, đa Đảng đối lập ; cho kinh tế thị trường không thể đi cùng định hướng XHCN; cho rằng sự lựa chọn đi lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản là ngược, là trái với quy luật tự nhiên; không nên đi lên CNXH, v.v.. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những sai lầm khuyết điểm, bởi Đảng ta không phải là thánh, nhưng Đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa sai lầm và kiên quyết sửa chữa. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và vị thế thực sự của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân... đã bác bỏ những quan điểm trên.

Quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng

Loại quan điểm này thường xuyên xuyên tạc, bóp méo đi đến phủ nhận lịch sử cách mạng, cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và Nhân dân ta là sai lầm, gây đổ máu , hy sinh không cần thiết; đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đi theo con đường của Cụ Phan Châu Trinh thì đã không có hai cuộc chiến tranh đẫm máu; họ phủ nhận những thành quả cách mạng của Đảng và Nhân dân ta đã giành được. Hiện nay, những kẻ chống lại lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam tìm mọi cách và bằng mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen, “thay đổi lịch sử dân tộc”, gây nghi ngờ không rõ về lịch sử của Đảng, của dân tộc, lịch sử cách mạng của chúng ta. Loại ý kiến về xét lại lịch sử rất khó nhận ra, họ bằng cách đánh tráo vấn đề, đánh tráo khái niệm, tên gọi để đồng nhất chiến tranh giành độc lập dân tộc với chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc; họ biến cuộc chiến tranh chống xâm lược thành nội chiến, thành huynh đệ tương tàn, họ chính danh hoá chế độ tay sai bán nước, họ biến kẻ xâm lược thành người đi khái hoá văn minh “chúng ta đã đuổi đi hai nền văn minh nhất của nhân loại”... họ biến những người đã từng tích cực tham gia làm tay sai cho đế quốc, thực dân xâm lược thành những người yêu nước.

Chúng ta nhân đạo, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng chúng ta không quên quá khứ hy sinh, mất mát của hàng triệu người vì nền độc lập của dân tộc. Chúng ta phân biệt rõ ranh giới lịch sử làm rõ các cá nhân làm tay sai cho giặc không phải để trả thù mà để rút ra bài học kinh nghiệm, để biết người, biết ta, để biết rõ bạn - thù. Thực tiễn sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu và hiện nay cuộc xung đột vũ trang ở Ucraina đều có nguyên nhân từ Chủ nghĩa xét lại lịch sử.

Quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào cá nhân các lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng , nhất là tấn công vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, tấn công vào trụ cột tinh thần của Đảng ta

Loại quan điểm này đã xuyên tạc, bôi đen lý lịch, đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng…; đổi trắng thay đen, tung hỏa mù gây nghi ngờ trong dư luận về phẩm chất đạo đức, năng lực và lý lịch gia đình; gây chia rẽ nội bộ trong Đảng. Đặc biệt, loại quan điểm này hay tung hỏa mù làm cho thế hệ trẻ ít hiểu biết và đông đảo quần chúng nhân dân không có thông tin, hiền lành, chất phác dễ tin và dễ bị lừa bởi những thông tin mập mờ không rõ. Mục đích của loại quan điểm này là gây nghi ngờ trong Nhân dân về Bác Hồ, về uy tín của cá nhân các đồng chí lãnh đạo. Từ đó hạ thấp uy tín cá nhân để làm suy giảm niềm tín của nhân dân vào Đảng. Loại quan điểm này thường lợi dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội tung tin giả, nữa giả nữa thật... chúng ta phải rất thận trọng khi tham gia các trang mạng xã hội. Không vội hùa theo những thông tin trên mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng, xác thực.

Lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất Đảng

Loại quan điểm này luôn lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta; lợi dụng tình trạng có một số đảng viên có chức quyền tham nhũng, quan liêu để qua đó quy chụp từ hiện tượng thành bản chất của Đảng, cho Đảng ta là quan liêu, tham nhũng, xa dân, không vì lợi ích của Nhân dân; gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Thậm chí họ còn núp dưới danh nghĩa bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lên án Đảng, Nhà nước ta xa rời hệ tư tưởng, xa rời con đường đi lên CNXH. Cũng có loại ý kiến lợi dụng việc phát biểu của cá nhân đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý nào đó chưa chặt chẽ chúng cắt, ghép, trích dẫn không đầy đủ tung lên mạng xã hội với dụng ý phê phán Đảng ta xa rời con đường cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn, qua đó hạ uy tín của Đảng ta.

Ca ngợi chủ nghĩa tư bản với những giá trị khác nhau của nó, khẳng định CNTB là xã hội tốt đẹp nhất không thể thay thế

Loại quan điểm này lấy CNTB làm mục đích tối thượng, ca ngợi các nước đi theo con đường TBCN; ca ngợi tự do, dân chủ phương Tây; ca ngợi mô hình CNXH dân chủ; ca ngợi giá trị, đề cao, cổ suý cho lối sống thực dụng, hưởng thụ...; phủ nhận những giá trị, những thành tựu của CNXH hiện thực; thông tin sai lệch, không đúng về thực tế Cuba, Triều Tiên và các nước xã hội chủ nghĩa khác; ca ngợi con đường phát triển TBCN hoặc phi XHCN... Qua đó, gián tiếp phủ định CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Từ những nhận diện trên, có thể thấy, các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng rất tinh vi, đa dạng và hết sức thâm độc. Các loại ý kiến này có mối liên hệ và cùng mục tiêu chung là gây hoài nghi, làm giảm sút niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ XHCN; chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Muốn đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch này một cách hiệu quả cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có sự nhạy bén trong phát hiện, nhận dạng; từ đó phải kiên trì, bình tĩnh, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Với từng loại quan điểm sai trái, thù địch chúng ta phải có cách đấu tranh riêng, phù hợp.

3. Những giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng

3.1. Những nguyên tắc cơ bản cần nắm vững khi tham gia viết bài đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng

Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chúng ta cần quán triệt tốt một số nguyên tắc cơ bản sau:

Một là, đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (ít nhất chúng ta cũng phải nắm cho được những vấn đề cơ bản nhất, những vấn đề có tính nguyên tắc trong Học thuyết Mác - Lênin và Tư tưởng của Hồ Chí Minh), chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhận diện đúng và giữ vững tính Đảng trong đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, phân biệt rõ quan điểm thù địch, quan điểm sai trái và xem xét chúng thuộc loại nào, nội dung nào và thuộc đối tượng nào? Trên cơ sở đó có các phương pháp đấu tranh, phê phán cụ thể, phù hợp, hiệu quả.

Đối với các quan điểm thù địch, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống lại, bác bỏ toàn diện, triệt để trên nhiều phương diện lý luận, pháp lý, lịch sử, khoa học, thực tiễn. Đồng thời phải phân biệt những quan điểm sai trái do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ với những quan điểm sai trái do cố ý, cố tình để có phương thức đấu tranh phù hợp, có lý có tình, lấy giáo dục thuyết phục là chính, mở một con đường cho người nhận thức sai trái nhận ra lỗi lầm để khắc phục, vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp.

Ba là, vận dụng uyển chuyển nguyên tắc khách quan, khoa học, lịch sử và thực tiễn trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch; tránh áp đặt, quy chụp, chủ quan, phiến diện một chiều…

Bốn là, quán triệt nguyên tắc dân chủ, cầu thị trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái từ trong nội bộ ta; tránh vội vàng quy chụp cho những ý kiến phản biện khoa học, có ý thức trách nhiệm, xây dựng vì mục tiêu góp phần tìm ra chân lý khoa học...

Các nguyên tắc cơ bản trên phải được quán triệt, thực hiện một cách triệt để, đồng bộ. Cùng với quán triệt tốt các nguyên tắc trên thì biện pháp quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; cũng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và trong công việc. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Có như vậy thì việc nhận diện và đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch mới hiệu quả, thiết thực.

3.2. Giải pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng của cán bộ, đảng viên

Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là một việc làm thường xuyên, liên tục; là một trong những nhiệm vụ của phòng chống “DBHB” của các thế lực thù địch và tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ ta; cần nhận rõ đây là cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai con đường XHCN và TBCN trên mặt trận tư tưởng - văn hoá; do đó phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, của Quân ủy Trung ương, của cấp ủy các cấp và Ban chỉ đạo 35 các cấp, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và vận động toàn quân tham gia.

Điều quan trọng nhất là phải nhận thức rõ Âm mưu chống phá của CNĐQ và các thế lực thù địch hết sức thâm độc, mục tiêu xoá bỏ chế độ XHCN ở nước ta là nhất quán... từ đó cần đề cao cảnh giác, nâng cao trách nhiệm, xây dựng bản lĩnh, nhạy bén phát hiện để từ đó có chủ trương, biện pháp, cách làm mang lại hiệu quả thực sự, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại Chiến lược “DBHB” của các thế lực thù địch chống phá Cách mạng nước ta. Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, chúng ta cần tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp sau đây:

Cần triển khai quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ phòng chống âm mưu Chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, trong đó đặc biệt quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ chính trị về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo 35, củng cố đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, lựa chọn những người có trình độ lý luận, có bản lĩnh chính trị tham gia vào thành viên chuyên trách Ban chỉ đạo vào đội ngũ chuyên gia và cộng tác viên.

Phát huy vai trò của các cơ quan liên quan của tổ chức Đảng (tuyên giáo, kiểm tra), các cơ quan quản lý nhà nước (công an, thông tin - truyền thông, văn hóa…), các công cụ tuyên truyền (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội) để tạo nên sức mạnh tổng hợp dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, trực tiếp là Ban chỉ đạo 35 từng bước quản lý chặt, phát hiện kịp thời các thủ đoạn chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch, triển khai đấu tranh có hiệu quả trên không gian mạng; trong đó hình thành lực lượng nghiên cứu nắm tình hình, phát hiện các quan điểm sai trái thù địch là bước hết sức quan trọng, để từ đó có sự chỉ đạo tập trung thống nhất, tiến hành đồng loạt mạnh mẽ phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ, tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời, biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực, đồng thời phát hiện những vấn đề tồn tại bất cập có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh nhằm nâng có hiệu quả đấu tranh.

Phòng chống “DBHB” là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, liên tục trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN. Do vậy việc nhận rõ những đặc điểm mới của “DBHB”, nhận diện đúng những quan điểm sai trái, thù địch là hết sức cần thiết và là yêu cầu cấp bách của mọi cán bộ, Đảng viên của Đảng, của hệ thống chính trị và của toàn dân ta , nhất là những cán bộ, lực lượng trực tiếp tham gia đấu tranh lại càng hết sức quan trọng. Để đấu tranh có hiệu quả cần phải có phương pháp, giải pháp phù hợp, song trên hết và trước hết lực lượng 35 cần phải trang bị cho mình những kiến thức khoa học, nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải là những người thực sự có lửa nhiệt tình cách mạng, sống chết cùng chế độ... đồng thời phải có quy chế, quy định phù hợp bảo vệ lực lượng tham gia đấu tranh có như vậy chúng ta mới có thể làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và chấn chỉnh hiệu quả những sai trái trong nội bộ ta./.

(Bài viết phục vụ Hội thảo khoa học: “Công tác phối hợp theo dõi, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc trên không gian mạng và kỹ năng viết tin, bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn thành phố” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng tổ chức, ngày 19.12.2023).

 

[1] Nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

[2] Intenet, blog, facebook, youTube, zalo, tiktok…

Các bản tin trước: