Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.868.902
Hôm qua:1.220
Hôm nay:1.124

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Nghiên cứu - Trao đổi

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ, THẮNG LỢI CỦA SỨC MẠNH DÂN TỘC VIỆT NAM THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

11:45 | 03/05/2024 48

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ,

THẮNG LỢI CỦA SỨC MẠNH DÂN TỘC VIỆT NAM

THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH

                                                                ThS. Nguyễn Thị Kim Oanh

                                                                Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

 

Tóm tắt: Cách đây 70 năm, chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra và thắng lợi. Chiến thắng này thực sự là một điển hình xuất sắc của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Ở đó, tinh thần yêu nước được nâng lên thành chủ nghĩa yêu nước. Bài viết góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nhất là cho thế hệ trẻ trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Điện Biên Phủ, chiến dịch, chiến tranh nhân dân, quân đội.

 

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng của tình quân - dân Việt Nam

Một dân tộc đứng trước sự xâm lược của kẻ thù mà không dám vùng lên chiến đấu thì chỉ xứng đáng làm nô lệ. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm, là lịch sử dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều thế kỷ chống quân xâm lược, dân tộc ta đã dám chiến đấu và đã chiến thắng mọi kẻ thù dù chúng đến từ đâu, giàu có và hiện đại đến cỡ nào. Điển hình là trận quyến chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954.

Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương lúc bấy giờ (có 49 cứ điểm) chia thành ba phân khu: Phân khu trung tâm (là phân khu quan trọng nhất, nằm ngay giữa Mường Thanh); Phân khu Bắc và Phân khu Nam (còn gọi là Hồng Cúm). “Tổng số quân vào thời điểm cao nhất là 16.200 người, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng M24; 3 tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe vận tải, một phi đội máy bay thường trực”[1], đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá Đờ Caxtơri (De Castries). Với lực lượng hùng hậu, hệ thống công sự được xây dựng vững chắc, hỏa lực mạnh. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin tưởng rằng “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.

Về phía ta, lực lượng tham gia chiến dịch gồm 4 đại đoàn bộ binh (đại đoàn 308, 316, 312, 304), một đại đoàn công pháo, các tiểu đoàn công binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y...tổng số quân khoảng 55 nghìn người với trên 11 triệu ngày công. Phương tiện vận chuyển phục vụ chiến dịch cũng rất lớn, gồm: 628 ô tô vận tải, gần 21.000 xe đạp thồ, hơn 11.800 thuyền cùng nhiều phương tiện vận chuyển thô sơ khác như lừa, ngựa. Để có lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho chiến dịch, Hội đồng cung cấp Mặt trận đã phải huy động gần 27.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất trong kháng chiến chống Pháp. Bộ chỉ huy chiến dịch được Bộ Chính trị cử ra gồm: đồng chí Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng; đồng chí Đặng Kim Giang, chủ nhiệm hậu cần; đồng chí Lê Liêm, chủ nhiệm chính trị; đồng chí Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Ngày 05 tháng 01 năm 1954, đồng chí Võ Nguyên Giáp lên đường đi Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bộ chính trị quyết định mang mật danh Chiến dịch Trần Đình.

“Đánh nhanh, thắng nhanh” là phương châm ban đầu của chiến dịch, về sau đổi thành “đánh chắc, tiến chắc” theo tinh thần Hội nghị cán bộ chiến dịch ngày 07 tháng 02 năm 1954. Ngày 13/3/1954, quân ta được lệnh nổ súng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, báo hiệu chiến dịch đã bắt đầu. Ngày 15/3/1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi, động viên cán bộ, chiến sĩ mặt trận rất kịp thời. Bức điện đã nhấn mạnh “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”[2].

Chiến dịch được chia thành 3 đợt. Đợt 1: từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/1954, tiêu diệt hai cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo; Đợt 2: từ ngày 30/3 đến ngày 26/4/1954, đánh chiếm các ngọn đồi phía đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, tạo thế trận cho tổng công kích. Sau đợt này, đế quốc Mỹ viện trợ khẩn cấp cho Pháp và đe dọa ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ; Đợt 3: từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, đánh những điểm cao cuối cùng ở phía đông, thực hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Qua 3 đợt tấn công, ngày 07/5/1954, quân đội Pháp bị đánh bại hoàn toàn ở Điện Biên Phủ. Tướng Đờ Caxtơri và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng. Lá cờ Quyết chiến quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã toàn thắng.

Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Caxtơri - (Nguồn: Internet)

Ở mặt trận Điện Biên Phủ, tổng số quân địch bị tiêu diệt và bị bắt sống là 16.200 tên (trong đó có thiếu tướng Đờ Catxtơri), 57 máy bay bị bắn rơi và phá hủy, quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại mặt trận[3]. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh.

Quân đội Pháp được xem là quân đội nhà nghề, một thời được coi là “một lục quân mạnh nhất châu Âu”. Qua 9 năm kháng chiến từ năm 1946 đến năm 1954, chính phủ Pháp phải 7 lần thay đổi toàn quyền Đông Dương, đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nước Pháp phải 20 lần thay đổi chính phủ.

Trong chiến tranh ở Việt Nam, các quân đội nước ngoài (thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này) chỉ coi trọng sức mạnh của quân đội và vũ khí. Họ đối xử tàn tệ với dân thường. Riêng đại tướng Võ Nguyên Giáp (với tư cách là chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận), ông học ở V.I.Lênin: mục đích phải đặt lên trên phương tiện; học ở Mao Trạch Đông: chiến tranh có 2 yếu tố cơ bản: nhân dân và vũ khí, trong đó con người là yếu tố quyết định; ông nói ông chịu ơn Napoleon (trong một buổi phỏng vấn 1988); đồng thời học Tôn Tử, vị tướng - triết gia Trung Quốc cổ đại: “địch tiến, ta lùi; địch đóng trại, ta quấy rối; địch mệt mỏi, ta tấn công; địch rút lui, ta truy kích”.

Võ Nguyên Giáp tự hào về chất lượng quân đội. Quân đội của ông không bao giờ xâm phạm tài sản của dân, không đụng đến cái kim sợi chỉ của dân. Họ có thái độ cư xử đúng mức với nhân dân để tranh thủ tín nhiệm. Với ông, công tác chính trị tốt là linh hồn của quân đội. Đó là chiến thắng bởi những Chiến sĩ anh hùng; Đầu nung lửa sắt; Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; Máu trộn bùn non; Gan không núng; Chí không mòn…”.

2. Tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954

Lãnh đạo kháng chiến chống Pháp và trận Điện Biên Phủ là một Đảng nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, huy động tất cả mọi tầng lớp nhân dân, không bỏ sót một khả năng, một lực lượng nào. Đảng đó vinh dự, tự hào, hạnh phúc khi được một lãnh tụ có tài đức vẹn tròn, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng, lợi ích của dân tộc và giai cấp, một nhà yêu nước kiệt xuất, một người cộng sản vĩ đại đưa đường chỉ lối, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả nước “chỉ có một lòng: quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí: quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”[4].

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Thực tế cho thấy: giữ nước không có kế nào hay bằng khoan thư sức dân, bồi dưỡng sức dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói rằng: chiến tranh phải biết kết hợp nhiều yếu tố khác nhau. Quân đội không phải chỉ có nhiệm vụ chiến đấu mà phải giáo dục quần chúng. Như vậy, mọi người đều là lính. Tất cả, mỗi làng, mỗi quận huyện đều là một pháo đài.

Điện Biên Phủ toàn thắng, tỏ rõ nghệ thuật chiến tranh nhân dân ở Việt Nam như sau: thứ nhất, xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của địch; thứ hai, tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch giành thắng lợi quyết định[5]; thứ ba, chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Với việc chọn cách đánh thích hợp, ta đã làm cho quân địch còn đông mà hóa ít, trang bị còn nhiều mà hóa yếu, tinh thần, vật chất và thế trận hoàn toàn rơi vào thế bất lợi. Đến cuối tháng 4, quân số của địch ở Điện Biên Phủ tuy còn khoảng một vạn, nhưng chỉ còn 42% quân số đủ sức chiến đấu, tinh thần binh lính suy sụp, nguồn tiếp tế bị bóp nghẹt, vũ khí trang bị thiếu thốn nghiêm trọng[6]. Rõ ràng, chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam.

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa ở thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”[7].

Với Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ đã chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ trên đất nước ta, xứng đáng là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đã đánh bại kế hoạch quân sự Nava, làm sụp đổ niềm hy vọng của các tướng lĩnh và các nhà chính trị Pháp, tạo cơ sở thuận lợi cho những thắng lợi trên bàn đàm phán ở hội nghị Giơnevơ.

Với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chúng, cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do.

3. Điện Biên Phủ hôm nay cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội         

70 năm đã trôi qua, Điện Biên Phủ hôm nay đã thay da đổi thịt. Màu xanh của sự sống, của hoa lá cỏ cây, của đất trời như hòa quyện tạo nên một bức tranh mới tràn đầy nhựa sống. Nhân dân các dân tộc trên mảnh đất Điện Biên đang cùng với nhân dân cả nước đang ra sức phấn đấu, cố gắng, nỗ lực học tập, cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, phát triển để gìn giữ giang sơn gấm vóc với 330 nghìn km2 từ Hữu Nghị Quan đến Mũi Cà Mau.

Chúng ta tin tưởng tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Nhà thơ Tố Hữu từng nói về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, rằng: “Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt; Đảng ta đây, xương sắt da đồng; Đảng ta, muôn vạn công nông; Đảng ta, chung một tấm lòng niềm tin”. Chúng ta tự hào được là con cháu Bác Hồ: Người đã “đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh”; Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng to, gió cả đi đến bến bờ vinh quang. Chúng ta tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông “là người có tư duy xuất sắc, giàu óc sáng tạo, tri thức quân sự của ông được tích lũy trong thực tế chứ không phải trong một viện hàn lâm quân sự nào”[8]. Các thế hệ người Việt Nam hôm nay sẽ mãi mãi khắc ghi công ơn  và sự hy sinh to lớn cả về tính mạng, tuổi thanh xuân của thế hệ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với những thách thức và khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh nào, Đảng ta vẫn khẳng định lấy Nhân dân làm trung tâm. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

“Ôn cố tri tân”, ôn cũ để hiểu mới. Trải qua 94 năm ra đời và lãnh đạo của Đảng, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng tự hào về Đảng, về Bác, về dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[9]./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cecil B. Currey: Chiến thắng bằng mọi giá, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.

2. Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.

3. Từ Điện Biên Phủ tới Sài Gòn, nghệ thuật toàn thắng, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

 

[1]. Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 945.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.226.

[3]. Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr. 947.

[4]. Hồ Chí Minh: Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr.76.

[5]. Trong đợt 1, phía ta đã tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt ba cứ điểm ngoại vi phía bắc. Tỉ lệ binh lực trong trận Him Lam: địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo (theo kế hoạch) địch 1/ta 3.

[6]. Từ Điện Biên Phủ tới Sài Gòn: nghệ thuật toàn thắng, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr.141.

[7]. Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành thắng lợi mới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.50.

[8]. Cecil B. Currey: Chiến thắng bằng mọi giá, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr.449.

[9]. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các bản tin trước: