Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.857.790
Hôm qua:1.455
Hôm nay:199

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Căn cứ lõm Bàu Bính trong kháng chiến chống Mỹ (1971-1972)

10:46 | 23/10/2023 247

TS. Trần Thuý Hiền

Trong tác phẩm “Chiến thuật du kích”, Hồ Chí Minh xác định căn cứ địa là nơi để nghỉ ngơi, huấn luyện lực lượng, tích trữ lương thực, vũ khí. Địa bàn xây dựng căn cứ phải đảm bảo sự hiểm trở, bí mật để địch khó phát hiện nhưng cũng phải thuận lợi cho việc tiến công và phòng thủ của lực lượng kháng chiến. Nguyên tắc cơ bản của nơi này là “phải có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ”[1]. Kế thừa và vận dụng quan điểm của Người, trong tác phẩm “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng ta”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ: “Căn cứ địa là những vùng tự do hoặc vùng mới được giải phóng xuất hiện trong vòng vây của địch, cách mạng dựa vào đó để tích luỹ và phát triển lực lượng của mình về mọi mặt, tạo thành những trận địa vững chắc về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá; lấy đó làm nơi xuất phát để mở rộng dần ra, cuối cùng tiến lên đánh bại mọi kẻ thù lớn mạnh, giải phóng hoàn toàn đất nước. Căn cứ địa là chỗ dựa để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang cách mạng; trên ý nghĩa đó nó cũng là hậu phương của chiến tranh cách mạng”[2]. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bên cạnh các căn cứ địa cách mạng ở vùng rừng núi, đồng bằng, đô thị, sông rạch còn có loại hình “căn cứ lõm”. Căn cứ lõm là căn cứ của lực lượng kháng chiến nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm, thường có quy mô không lớn nhưng chiếm giữ vị trí xung yếu mà lực lượng kháng chiến dựa vào đó để xây dựng lực lượng cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trong vùng địch hậu. Sự ra đời, phát triển của căn cứ Bàu Bính (Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam) trong kháng chiến chống Mỹ chính là minh chứng sinh động về của loại hình căn cứ lõm.

Trong những năm 1969-1971, nhằm xây dựng, bảo tồn lực lượng trước sự  đánh phá ác liệt của địch ở vùng Đông Thăng Bình, Tam Kỳ, Huyện ủy Thăng Bình đã quyết định xây dựng khu vực Bàu Bính, thuộc thôn 4 và một phần thôn 5 xã Bình Dương thành căn cứ lõm, làm nơi đứng chân của các cơ quan, đội công tác các xã vùng Đông, lực lượng vũ trang huyện, tỉnh để chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương. Đây là khu căn cứ với địa hình chủ yếu là các gò, thổ cao từ 1m đến 1,5m che khuất, cây cối thưa thớt, xen lẫn là các bàu nước với diện tích chỉ khoảng trên 2km², nằm về phía Đông Bắc của các xã vùng Đông Thăng Bình; phía Bắc giáp các xã Duy Hải, Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên, có 30 gia đình bám trụ ở xã Duy Nghĩa, phía Nam giáp với một dãy chốt điểm của địch, phía Tây là sông, vùng giáp ranh giữa ta và địch, có phòng tuyến bố trí nhiều bãi mìn, ổ tác chiến, có giao thông hào liên hoàn xung quanh khu vực, bên trong có hệ thống công sự mật ẩn nấp tránh phi pháo địch[3]. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng là: “củng cố và mở rộng căn cứ địa ở những vùng chiến lược quan trọng”[4], căn cứ Bàu Bính đã trở thành địa bàn quan trọng phục vụ xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch. Trong hơn một năm đầu thành lập (1971) căn cứ không có dân cư, chỉ có cán bộ, bộ đội và du kích bám trụ hoạt động. Cho đến tháng 5-1972, sau khi LLVT tỉnh Quảng Nam mở lại vùng Đông Thăng Bình, tiêu diệt các chốt điểm của địch, phát động quần chúng phá khu dồn trở về quê cũ làm ăn sinh sống, số dân căn cứ Bàu Bính lúc này mới tăng lên 300 người. Tại Bàu Bính, ta xây dựng lực lượng cách mạng gồm đội công tác các xã vùng Đông; cán bộ du kích xã Bình Dương, đại đội V15, bộ phận quân giới của lực lượng vũ trang huyện, một bộ phận của Ban Chỉ huy Quân sự huyện; cán bộ các ban, ngành của huyện, tỉnh gồm có: An ninh, đấu tranh chính trị, binh vận, dân vận và cả nhân dân các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Triều. Bộ phận công binh, cơ giới và du kích xã Bình Dương tổ chức đào hầm công sự, bố trí chông mìn đánh địch nhằm mở rộng vành đai căn cứ lõm, hình thành thế trận phòng ngự vững chắc. Thông qua các chi bộ hợp pháp và cơ sở trung kiên, hằng đêm cán bộ, du kích đi về các khu dồn tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân, binh lính, qua đó phát triển lực lượng ở căn cứ.

Trong điều kiện căn cứ bị địch bao vây bốn phía, để đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân dân, lực lượng ta đã vận động nhân dân, các cơ sở hợp pháp ở các địa phương tổ chức thu mua lương thực từ vùng địch, vận chuyển về căn cứ an toàn.

Nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng ở Bầu Bính, địch huy động mọi lực lượng, sử dụng mọi thủ đoạn để đánh phá. Từ đầu năm 1971 đến cuối năm 1972, đối phương đã nhiều lần tổ chức tấn công vào căn cứ. Tuy nhiên, tại đây, lực lượng du kích, đội công tác các xã đã phối hợp với lực lượng vũ trang huyện, các tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh tiến hành chống địch bao vây, càn quét, đẩy lùi nhiều đợt tấn công, tiêu hao đáng kể sinh lực địch. Để triệt hạ căn cứ, đầu tháng 12/1972,  địch tiếp tục điều động một lực lượng lớn bộ binh cùng sự hỗ trợ của phi pháo dưới sự chỉ huy của tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Vùng I chiến thuật tấn công vào căn cứ lõm Bàu Bính. Ngoài pháo yểm trợ, bộ binh, xe tăng... địch còn cho máy bay ném bom liên tục trước khi bộ binh đổ quân vào.

Trước tình hình địch sử dụng lực lượng quá lớn, liên tục đánh phá kéo dài, nếu tiếp tục trụ bám sẽ không có lợi cho quân dân căn cứ. Để bảo tồn lực lượng, ngày 15/12/1972, sau khi nhận được lệnh của cấp trên, ta tổ chức rút lực lượng ra khỏi căn cứ đồng thời sơ tán nhân dân các xã vùng Đông trụ bám lên vùng giải phóng an toàn.

Dù chỉ tồn tại trong 2 năm (1971-1972) nhưng căn cứ lõm Bàu Bính xứng đáng với danh hiệu là “căn cứ lõm lũy thép anh hùng”, tất cả quân dân ở đây luôn khắc phục khó khăn, chấp hành kỷ luật ăn ở đi lại, tích cực xây dựng căn cứ, trụ bám, phối hợp với lực lượng vũ trang đánh địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Căn cứ trở thành bàn đạp để lực lượng vũ trang cách mạng tiến công địch. Trong chiến dịch Thu năm 1972, các tiểu đoàn 70, 72, 74 và Sở chỉ huy tiền phương của tỉnh Quảng Nam đã tập kết lực lượng tại căn cứ lõm Bầu Bính, sau đó tiến công tiêu diệt các chốt điểm của địch ở Mù U, Cù Đồi, giải phóng xã Bình Dương, huyện Thăng Bình.

 Căn cứ lõm Bàu Bính được ví như tiêu điểm để lôi kéo, thu hút lực lượng địch ở vùng Đông, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang cách mạng tiến công, tiêu diệt lực lượng địch, thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng địa phương.

Nghiên cứu về căn cứ lõm Bàu Bính trong kháng chiến chống Mỹ, có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

Thứ nhất, căn cứ lõm Bàu Bính có địa hình khá đặc biệt với nhiều gò, thổ cao từ 1m đến 1,5m che khuất, cây cối thưa thớt, xen lẫn với các bàu nước, có mối liên quan với các thôn xã lân cận, có phòng tuyến ta bố trí nhiều bãi mìn, ổ tác chiến, giao thông hào liên hoàn xung quanh khu vực cùng với hệ thống công sự mật rất thuận lợi cho hoạt động cơ động chiến đấu, giấu quân được thuận lợi. Với điều kiện địa hình như vậy, căn cứ Bàu Bính đã gây không ít khó khăn cho địch, tính sát thương bom đạn vào đây rất hạn chế, việc cơ động xe tăng của đối phương rất khó khăn.

Thứ hai, căn cứ lõm Bàu Bính điển hình của thế trận lòng dân. Trong chỉ trong hai năm trụ bám (1971-1972) đã có trên 150 cán bộ, bộ đội, du kích và nhân dân; trong đó có 1 phó bí thư Huyện ủy, 3 ủy viên Ban Thường vụ và 1 Huyện ủy viên  hy sinh [5]. Chính trong thời gian khó khăn, thử thách nhất của phong trào cách mạng tổ chức Đảng và phong trào quần chúng vẫn được giữ vững, nhân dân vẫn tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng. Cho dù địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá tàn khốc, quân dân căn cứ vẫn kiên cường chiến đấu, trụ bám bảo vệ căn cứ. Người dân trở thành những kênh thông tin hiệu quả giúp bộ đội nắm tình hình địch, lựa chọn những căn hầm bí mật an toàn nhất, kiên cố để bộ đội trú quân, san sẻ từng chén cơm, củ khoai, củ sắn góp phần để “bộ đội ăn no đánh thắng”. Với sự trung thành tuyệt đối của nhân dân, Bầu Bính thực sự trở thành hậu phương, chỗ dựa trực tiếp bảo đảm cung cấp sức người, sức của cho các trận đánh của lực lượng vũ trang cách mạng. Căn cứ lõm Bàu Bính cũng là nơi nuôi dưỡng và củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Căn cứ lõm Bàu Bính xứng đáng với danh hiệu là “căn cứ lõm lũy thép anh hùng”, là một điển hình của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ.

Thứ ba, sự tồn tại, những đóng góp của căn cứ lõm Bàu Bính cho thấy những bài học về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng thế trận lòng dân thực sự không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh giải phóng dân tộc mà còn là bài học quý giá đối với công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Mọi sự nghiệp cách mạng nếu xuất phát từ nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì dù khó khăn đến đâu cũng sẽ thành công.

[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn Tập, Tập 3, Nxb CTQG, HN, tr 536.

[2] Võ Nguyên Giáp (1970), Mấy vấn đề về đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb QĐND, HN, tr.90.

[3] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Huyện ủy Thăng Bình (4/2013), Tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học “Căn cứ lõm Bàu Bính – Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”, tr.5.

[4] Viện Mác - Lênin, Viện lịch sử quân sự  (1986), Nghiên cứu văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước, Nxb Sự thât, HN, tr .253.

[5] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Huyện ủy Thăng Bình (4/2013), Tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học “Căn cứ lõm Bàu Bính – Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm”, tr.16.

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: