Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.825.370
Hôm qua:704
Hôm nay:610

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Lý luận về tích luỹ tư bản của Mác và ý nghĩa đối với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

14:21 | 27/11/2023 9831

Th.S Phạm Thị Thuý

Phòng TC-HC-TT-TL

Triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin   chủ nghĩa xã hội khoa học là ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác. Học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết duy vật lịch sử là hai phát kiến vĩ đại của riêng Mác, nhờ hai phát kiến đó mà chủ nghĩa khoa học từ không tưởng trở thành khoa học. Cả cuộc đời hoạt động, công hiến cho khoa học, C. Mác đã để lại cho nhân loại nhiều tác phẩm có giá trị, như cẩm nang đối với những nhà lý luận, một trong những tác phẩm có giá trị cho đến nay đó là bộ Tư bản. Bộ Tư bản là tác phẩm chủ yếu của C. Mác, ông đã làm việc 40 năm để viết tác phẩm này, kể từ giữa những năm 40 của thế kỷ XIX cho đến khi ông qua đời. Bộ tư bản gồm có 4 tập. Tập I (quyển I) ra mắt bạn đọc năm 1867 là sự kế tục tác phẩm Góp phần phê phán kinh tế chính trị; là kết quả của quá trình xây dựng và hòan thiện các học thuyết kinh tế của C. Mác và Ăngghen. Quyển I, C. Mác viết về Quá trình  sản xuất tư bản chủ nghĩa, gồm 7 phần, có 3 lý thuyết kinh tế như Lý luận giá trị - lao động; lý luận giá trị thặng dư; lý luận về tích lũy tư bản. Bài viết đề cập đến lý luận tích luỹ tư bản và ý nghĩa rút ra đối với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

1. Sự chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản

          Thực chất của tích lũy tư bản là thông qua quá trình tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất được lặp lại với quy mô lớn hơn trước. Muốn vậy, phải biến một phần giá trị thặng dư thành tư bản bất biến phụ thêm và tư bản khả biến phụ thêm.

          Ví dụ, nhà tư bản ứng ra 10.000 USD để sản xuất ô tô, giả định cấu tạo hữu cơ của tư bản là 4/1 và m’ = 100%, thì quy mô sản xuất.

(1) 8.000c + 2.000v + 2.000m = 12.000 (giá trị sản phẩm). Vì để tái sản xuất mở rộng, nên 2.000m nhà tư bản không tiêu dùng hết, mà chỉ dùng 1.000m thì tích lũy biến thành 800c phụ thêm + 200v phụ thêm, thì quy mô sản xuất năm sau sẽ là:

(2) (8.000c + 800cft) + (2.000v + 200vft) + 2.200m = 13.200. Vậy, 1000 tư bản mới đã tạo ra 200m. Việc sử dụng m làm tư bản hay tư bản hóa m, gọi là tích lũy tư bản, và như vậy chúng ta thấy: những kết luận rút ra từ tái sản xuất giản đơn biểu hiện đầy đủ trong tái sản xuất mở rộng và nghiên cứu tái sản xuất mở rộng còn cho phép rút ra hai kết luận:

Thứ nhất, nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư hay tư bản hóa giá trị thặng dư. C.Mác viết: “Ngay từ khi mới ra đời không một nguyên tử giá trị nào của nó mà lại không phải do lao động không công của người khác tạo ra”[1].

Thứ hai, sự chuyển hóa các quy luật sở hữu của nền sản xuất hàng hóa thành các quy luật chiến hữu tư bản chủ nghĩa. Nhà tư bản là người sản xuất hàng hóa. Tư bản thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản, nên anh ta có toàn quyền sử dụng, chi phối. Qua trao đổi ngang giá, anh ta nắm quyền sở hữu các yếu tố sản xuất cần thiết. Sau quá trình sản xuất, hàng hóa được tạo ra cũng thuộc quyền sở hữu của nhà tư bản. Cuối cùng nhà tư bản bán hàng hóa và thu giá trị hàng hóa về. Vậy là trước, sau nhà tư bản thực hiện đúng các quy luật của sở hữu hàng hóa. Nhưng điều đáng chú ý là sau khi mua được các yếu tố sản xuất, nhà tư bản có toàn quyền sử dụng hàng hóa sức lao động, và do đó có toàn quyền sử dụng giá trị thặng dư do hàng hóa ấy tạo ra. Một bộ phận giá trị thặng dư trở lại tư bản phụ thêm để mua sức lao động. Sức lao động phụ thêm đó sử dụng vào sản xuất lại tạo ra giá trị thặng dư và rồi một phần giá trị thặng dư được tích lũy lại làm tư bản. Ở đây, nhà tư bản dựa trên quyền sở hữu để chiếm đoạt và rồi lại dùng cái quyền chiếm đoạt làm phương tiện mở rộng không ngừng được chiến đoạt. C. Mác viết: “Sản xuất hàng hóa càng phát triển thành nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa theo đúng quy luật bên trong của bản thân nó, thì các quy luật sở hữu của bản thân nền sản xuất hàng hóa lại càng biến thành những quy luật chiếm hữu tư bản chủ nghĩa”[2].

2. Quy luật phổ biến của tích lũy tư bản

Quy luật chung của tích lũy tư bản là tư bản càng tích lũy thì càng tạo ra sự đối lập hai cực: một phía là giai cấp tư sản ngày càng giàu có, một phía là giai cấp vô sản ngày càng nghèo khổ, bần cùng, thể hiện trên các mặt:

Thứ nhất, lượng cầu về sức lao động tăng lên cùng với tích lũy, trong điều kiện kết cấu của tư bản không đổi, tức là quy luật tăng cấu tạo hữu cơ của tư bản

Kết cấu của tư bản có thể hiểu về hai mặt. Về mặt giá trị, kết cấu đó là cái tỷ lệ theo đó tư bản phân ra thành tư bản bất biến hay giá trị của tư liệu sản xuất, còn tư bản khả biến hay giá trị của sức lao động, tức là tổng số tiền công được C. Mác gọi cấu tạo giá trị của tư bản. Xét về mặt vật thể hoạt động trong quá trình sản xuất, thì mọi tư bản đều chia thành tư liệu sản xuất và sức lao động sống; kết cấu đó được quyết định bởi tỷ lệ giữa một bên là khối lượng các tư liệu sản xuất được sử dụng, với bên kia là số lượng lao động cần thiết để sử dụng các tư liệu sản xuất đó. Đó là cấu tạo kỹ thuật của tư bản.

Vậy cấu tạo hữu cơ của tư bản là gì? Theo C. Mác: kết cấu giá trị của tư bản là kết cấu hữu cơ của tư bản “trong chừng mực mà kết cấu giá trị được quyết định bởi kết cấu kỹ thuật của tư bản và phản ảnh những sự thay đổi của kết cấu kỹ thuật này” [3].

Cùng với quá trình phát triển của đại công nghiệp, của tích lũy tư bản thì cấu tạo hữu cơ của tư bản tăng lên (c tăng nhanh hơn v) nên dẫn đến tình trạng thất nghiệp. C. Mác viết: “Quy luật của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa làm cơ sở cho cái gọi là “quy luật tự nhiên về nhân khẩu”, thực ra chỉ là: quan hệ giữa tư bản, tích lũy về mức tiền công chẳng qua chỉ là quan hệ giữa lao động không công được biến thành tư bản, và lao động phụ them cần thiết để làm cho tư bản phụ them vận động”[4].

Thứ hai, sự giảm bớt tương đối của bộ phận tư bản khả biến trong tiến trình tích lũy và tích tụ đi kèm theo tiến trình đó, tức là quy luật tích tụ và tập trung tư bản.

Tích tụ tư bản: Mọi tư bản cá biệt đều là một sự tích tụ nhiều hay ít tư liệu sản xuất với một sự chỉ huy tương ứng đối với một đội quân lao động lớn hay nhỏ. Có hai điểm đặc biệt trong loại tích lũy này, tức loại tích tụ trực tiếp dựa trên tích lũy hay thậm chí đồng nhất với tích lũy: (1) sự tích tụ ngày càng tăng của những tư liệu sản xuất xã hội vào tay các nhà tư bản cá biệt, trong những điều kiện khác không đổi, bị giới hạn bởi mức tăng của của cải xã hội; (2) bộ phận tư bản xã hội đang nằm ở mỗi lĩnh vực sản xuất riêng biệt đều bị chia sẽ giữa nhiều nhà tư bản đối lập với nhau với tư cách là những người sản xuất hàng hóa độc lập và cạnh tranh với nhau.

Tập trung tư bản: sản xuất và tích lũy tư bản chủ nghĩa càng phát triển thì cạnh tranh và tín dụng, hai cái đòn bẫy mạnh nhất của tập trung cũng phát triển.

Sự khác nhau giữa tích tụ và tập trung tư bản: tích tụ chỉ là một biểu hiện khác của tái sản xuất với quy mô mở rộng. Tập trung có thể diễn ra bằng cách chỉ phân phối một cách khác đi những tư bản đã có, bằng cách chỉ giản đơn thay đổi sự sắp xếp về lượng của các bộ phận cấu thành của tư bản xã hội. Giữa tích tụ và tập trung tư bản giống nhau ở chỗ đều làm tăng quy mô tư bản cá biệt; Tích tụ và tập trung tư bản có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển: tích tụ tăng sẽ tăng sức cạnh tranh, do đó đẩy nhanh tập trung tư bản, tập trung tư bản giúp cho các nhà tư bản có điều kiện đầu tư kỹ thuật để tăng cường bóc lột nhiều hơn.

Thứ ba, hậu quả của tích lũy tư bản.

- Tích lũy tư bản gây ra tình trạng thất nghiệp của công nhân.

Quy luật nhân khẩu của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cùng với sự tích lũy tư bản do bản thân nó đẻ ra, nhân khẩu của công nhân cũng sẽ sản xuất ra với một quy mô ngày càng lớn những phương tiện ngày càng làm cho họ trở thành nhân khẩu thừa tương đối. Số nhân khẩu thừa đó tạo thành một đội quân công nghiệp trừ bị có sẵn, cũng hoàn toàn thuộc về tư bản một cách tuyệt đối, tựa hồ như thể tư bản đã bỏ công, bỏ của ra nuôi dưỡng nên đội quân công nghiệp trừ bị ấy.

- Tích lũy tư bản dẫn đến bần cùng hóa giai cấp vô sản: có hai hình thức bần cùng hóa.

Bần cùng hóa tương đối là cùng với đà tăng trưởng lực lượng sản xuất, phân phối cho giai cấp vô sản tuy có tăng tuyệt đối, nhưng lại giảm tương đối so với phần dành cho giai cấp tư sản.

Bần cùng hóa tuyệt đối không có nghĩa là mức sống của giai cấp vô sản ngày càng giảm đi. Tuy mức sống có tăng lên, nhưng thu nhập vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu trong từng hoàn cảnh cụ thể (trừ những người thất nghiệp thì mức sống giảm tuyệt đối).

Do đó, C. Mác gọi quy luật chung của tích lũy tư bản là quy luật tích lũy hai đầu: một đầu là tích lũy sự sa hoa, giàu có… về phía giai cấp tư sản, một đầu là tích lũy sự bần cùng, đói khổ về phía giai cấp vô sản.

          3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu lý luận về tích lũy tư bản

3.1. Ý nghĩa lý luận

+ Tích lũy tư bản là tư bản hóa giá trị thặng dư hay biến một bộ phân giá trị thặng thành tư bản phụ thêm.

+ Bản chất của tích lũy tư bản là thể hiện thông qua quá trình tái sản xuất mở rộng. Tái sản xuất mở rộng là quá trình sản xuất lặp lại với quy mô lớn hơn trước, muốn vậy phải biến một bộ phận giá trị thặng dư thành tư bản phụ them và tư bản phụ them cho quá trình sản xuất sau.

+ Nguồn gốc duy nhất của tư bản tích lũy là giá trị thặng dư hay biến một bộ phận giá trị thặng dư thành tư bản phụ thêm nghĩa là lao động không công của công nhân làm thuê.

3.2. Ý nghĩa thực tiễn

Việt Nam trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội hầu như chưa có, do đó cần phải tăng cường mở rộng sản xuất để có được nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội, trên cơ sở đó mới có điều kiện tích lũy vốn để đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Vậy, muốn có được nhiều sản phẩm thặng dư cho xã hội, cần phải không ngừng tái sản xuất mở rộng với quy mô ngày càng lớn thì phải mở rộng quy mô tích lũy.

Trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế không có, là một đất nước nông nghiệp nhưng thiếu lương thực phải nhờ viện trợ từ bên ngoài. Sau hơn 36 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử to lớn, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.779 USD, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Các cân đối lớn của nền kinh tế  về tích lũy – tiêu dùng, tiết kiện đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động – việc làm tiếp tục được đảm bảo, góp phần củng cố vững chắc cho nền kinh tế vĩ mô; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thì Việt Nam cần phải tăng cường tích lũy dưới cả hai hình thức mà C. Mác đã đưa ra, trong đó chú trọng đến hình thức tập trung tư bản. Bởi lẽ, hiện nay sản xuất ở VN đang trong tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Nếu để các doanh nghiệp tự tích lũy để mở rộng sản xuất thì đòi hỏi cần phải có một thời gian dài, hoặc có sự hỗ trợ vốn của nhà nước, trong khi vốn của nhà nước thì có hạn , Vì vậy, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam nên hợp nhất lại với nhau thành các doanh nghiệp lớn để có tiềm lực lớn về vốn đầu tư để  nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện vốn của nhà nước có hạn cần phải tích cực thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, tăng đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và đời sống đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta phải huy động và sử dụng nguồn vốn sao cho hợp lý và có hiệu quả. Huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển toàn xã hội tăng lên, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mức kỷ lục 39 tỷ USD. Hiệu quả đầu tư cải thiện, hệ số ICOR giai đoạn 2016-2020 đạt 6,1(thấp hơn giai đoạn 2011-2015 là 6,3).

Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, cần phải khấu hao nhanh máy móc để tránh hao mòn vô hình, tập trung đầu tư cho nghiên cứu và triển khai đi tắt đón đầu khoa học công nghệ mới phục vụ sản xuất và tiêu dùng để tránh sự tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và thế giới, cũng như đẩy mạnh phát triển sản xuất và không ngừng tăng tích lũy cho nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và đầu tư phát triển nguồn nhân lực (chủ yếu là nguồn nhân lực có chất lượng cao). Như vậy, có xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập mới đảm bảo dành được thắng lợi trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường, tích lũy vốn chính là động lực của tăng trưởng phát triển, đồng thời tích lũy vốn (đầu tư) còn được gọi là nguồn gốc của tiến bộ công nghệ và kỹ thuật. Có “đầu tư chất lượng cao” mới có thể thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế điều này phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và hiểu quả quản lý đầu tư. Trong thời đại ngày nay đầu tư vào vốn con người là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư “thông minh” và hiệu quả nhất. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra một trong 3 khâu đột phá chiến lược quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển đó là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Lý thuyết tích lũy tư bản là một trong những phần hết sức quan trọng và cần thiết trong bộ Tư Bản của C. Mác, nghiên cứu phần này giúp chúng ta biết nguồn gốc và bản chất của tích lũy tư bản. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đời sống con người ngày càng cao thì việc tích lũy ngày càng đóng vai trò cần thiết, nhờ có tích lũy mà xã hội không ngừng tăng lên. Đối với Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phải có nguồn vốn dồi dào và việc sử dụng sao cho có hiệu quả. Tập trung khai thác tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi trong nước, kết hợp thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta không ngừng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn trong nước và khu vực để phát triển kinh tế - xã hội đưa nước ta đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

2. Tài liệu bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tập 1, Các tác phẩm kinh điển của C. Mác và Ăngghen.

3 . Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nhà xuất bản chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

 

[1] 2 C. Mác và Ăng ghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H 2002, t23, tr.821, 828

 

[3] 2   C. Mác và Ăng ghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, H 2002, t23, tr.863,874.

 

Các bản tin trước:

Các bản tin tiếp theo: