Thành phố Đà Nẵng

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Cổng thông tin Chính phủ
Văn bản pháp quy
Biểu mẫu

Liên kết

Thống kê truy cập

Lượt truy cập:2.825.265
Hôm qua:704
Hôm nay:505

Tìm kiếm thông tin

Tìm kiếm

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng nhập với vai trò


Đăng nhập

Bài viết chuyên đề

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” vào công tác xây dựng Đảng về đạo đức cho cán bộ, đảng viên hiện nay

16:29 | 05/12/2023 1275

ThS. Hồ Thị Mỹ Tình
Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt: Tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về việc tu dưỡng, thực hành đạo đức của cán bộ, đảng viên. Người giải thích rõ bốn đức “cần, kiệm, liêm, chính” để chúng ta hiểu đúng và thực hành hiệu quả hàng ngày. Từ đó, người cán bộ đảng viên cần ý thức rõ việc rèn luyện đạo đức, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” để góp phần xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, sớm đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ khóa: Cần, kiệm, liêm, chính; đạo đức cách mạng; xây dựng Đảng về đạo đức;

1. Đặt vấn đề

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những phẩm chất cốt lõi của người cán bộ, đảng viên là “cần, kiệm, liêm, chính”. Bác Hồ là tấm gương sáng nhất, là hiện thân của con người có đủ bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, nội dung rèn luyện cần kiệm liêm chính được Người đề cập nhiều nhất, bởi mọi hoạt động của người cán bộ, đảng viên đều gắn liền với những phẩm chất này. “Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc. Người có bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính”[1]. Tư tưởng của Người phù hợp với định hướng của Đảng ta về công tác cán bộ, cán bộ có đạo đức thì tài năng mới được phát huy đúng nơi, đúng chỗ.

2. Vai trò của việc xây dựng đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho người cán bộ, đảng viên

“Cần, kiệm, liêm, chính” là phẩm chất không thể thiếu đối với người cán bộ, đảng viên, theo Bác Hồ thì đó là những phẩm chất cần thiết đối với con người như bốn mùa của đất trời, bốn phương của đất, bốn đức tạo nên chất “người” ở mỗi chúng ta. Đây chính là nhân cách toàn diện của con người trong chế độ mới. Vì lẽ đó, Người cho rằng: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”[2]. Để tránh những tiêu cực đó thì cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính”, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, gắn với công việc thực tế hàng ngày của chính mình, để tự soi, tự sửa.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “cần, kiệm, liêm, chính” là những phẩm chất, tiêu chí đạo đức cơ bản và cần thiết của xã hội mới. Trong những năm kháng chiến, nhờ có “cần, kiệm, liêm, chính” mà cán bộ và nhân dân ta mới đánh thắng được giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, từng bước mở ra những trang mới trong đời sống của nhân dân. Ở hoàn cảnh nào của cách mạng Việt Nam, phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho người cán bộ, đảng viên. Người dẫn dắt: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”[3]. Trong xã hội mới, người cán bộ biết “cần, kiệm, liêm, chính” sẽ mang lại một xã hội văn minh, hưng thịnh, bởi bốn đức tính này giúp người đảng viên học cách thức làm việc, làm người cán bộ chuẩn mực để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

3. Cán bộ, đảng viên thực hiện “cần, kiệm liêm chính” rèn luyện đạo đức suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Kế thừa sáng tạo tinh hoa của đạo đức phương Đông và đạo đức truyền thống Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng khái niệm “cần, kiệm, liêm, chính” phù hợp với người cán bộ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới. Đảng viên làm gương cho quần chúng noi theo, có lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Cần là “siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”, là “phải tìm mọi cách để ít người mà làm được nhiều việc”[4]. Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm, làm nhanh chóng, chu đáo. Cần là việc ngày nào làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Người có đức “cần” thì việc khó khăn mấy cũng làm được, luôn có sáng kiến mới, sáng tạo hay, luôn tiến bộ và phát triển. Để làm được nhiều việc một lúc cần có kế hoạch cụ thể, tránh làm chồng chéo. “Cần” là luôn cố gắng, luôn chăm chỉ nhưng lại điềm tĩnh, biết nuôi dưỡng tinh thần và thể chất để được làm việc và cống hiến lâu dài. “Cần” không chỉ ở cá nhân mà toàn xã hội, như vậy, đất nước mới ấm no. Ngược với “cần” là lười biếng, người lười biếng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của rất nhiều người.

Kiệm là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[5], tiết kiệm không phải là keo kiệt, mà biết chi tiêu đúng mục đích. Giàu hay nghèo cũng cần biết tiết kiệm, tiết kiệm: thời gian, nhân lực, vật lực, trí tuệ. Tiết kiệm cũng là cách huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Mọi người, mọi nhà, mọi ngành đều thực hành tiết kiệm, góp gió thành bão. Nói không với xa xỉ, lãng phí, xa xỉ là có tội với dân với nước.

Liêm là “trong sạch, không tham lam”[6], luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không xâm phạm đồng xu, hạt thóc của nhân dân. Liêm là không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc. Người cán bộ dám hy sinh vì nghĩa, không tham bất cứ điều gì, người làm trong công sở phải lấy chữ “liêm” làm hàng đầu. Cán bộ cậy quyền mà đục khoét của dân, người sợ việc khó không dám làm, gặp giặc không dám đánh...cần nhận ra tham lam là có tội với dân, là đức tính xấu cần phải diệt trừ. Cán bộ, đảng viên cần thực hành “liêm” trước để làm gương.

Chính là “không tà, thẳng thắn, đứng đắn”, khi xem xét con người trên ba mặt: với mình, với người, với việc sẽ thấy rõ người đó có “chính” hay không. Người không tự cao, tự đại sẽ nhanh tiến bộ. Biết yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, chân thành, khiêm tốn để học hỏi và không ngừng vươn lên. Đặt việc công lên trên việc tư, việc nước trên việc nhà, không lẫn lộn. Phải công tâm, làm lợi cho nhân dân và đất nước.

Bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” Hồ Chí Minh nêu lên trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, ngày càng phù hợp với xu thế phát triển mới của đất nước. Trong nội dung xây dựng xã hội mới, với việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng sản xuất hiện đại, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, con người đang gần như quá đề cao lợi nhuận và giá trị vật chất, nếu người cán bộ đảng viên không tỉnh táo, không rèn luyện đạo đức phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” thường xuyên, sẽ dễ bị sa lầy vào cạm bẫy chủ nghĩa cá nhân, “dĩ công vi tư”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm mất uy tín, mất niềm tin vào cán bộ, vào Đảng.

Do vậy, Đảng ta luôn đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi trọng việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên một cách nghiêm túc. Người cán bộ, đảng viên luôn nêu cao trách nhiệm của mình trong việc làm gương, đi đầu tu dưỡng đạo đức, thực hiện nghiêm chỉnh và có hiệu quả theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ nhất, lấy “cần, kiệm, liêm, chính” làm thước đo cho sự phát triển của người cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, việc thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” trên mọi phương diện, trong việc thực thi nhiệm vụ được giao, cũng như trong đời sống giản dị hàng ngày. Người đảng viên có tính đảng mạnh mẽ, sẽ luôn kiên định, vững tin trong mục tiêu sống - học tập - công tác của mình, không bị xao động bởi âm mưu của các thế lực thù địch, không bị vật chất cám dỗ. Cán bộ, đảng viên sẵn sàng phục vụ nhân dân, vì lợi ích của dân mà làm, thẳng thắn nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm để luôn tiến bộ, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Biết ứng xử thân thiện, có lời nói văn minh và luôn có thiện chí với mọi người. Sống có kỷ luật, kỷ cương, đồng thời cũng mềm dẻo, linh hoạt và biết đề cao lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân, không ganh đua tiêu cực. Người cán bộ đảng viên là người luôn có thái độ sống tích cực, hòa đồng, tin tưởng vào cái mới, vào điều tích cực và sự phát triển mỗi ngày của đất nước. Công hiến, hy sinh không vụ lợi, tự soi tự sửa để bản thân ngày càng tiến bộ hơn.

Thứ hai, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kiên quyết chống tệ quan liệu tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Một số cán bộ vì không cản được lòng tham, vì không thực hành thường xuyên và có hiệu quả tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính” nên đã sa vào ăn chơi, hưởng thụ, đục khoét, quan liêu, tham nhũng…để thõa mãn nhu cầu cá nhân, bất chấp lợi ích của nhân dân. Từ đó đã làm sa sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Nếu không tăng cường kỷ luật nghiêm khắc, đồng thời giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên thường xuyên, thì đất nước khó lòng phát triển theo đúng định hướng.

Thực hành “cần, kiệm, liêm, chính” từ những việc nhỏ nhất, giản dị nhất, đến công việc to lớn của đất nước, của nhân dân. Trong bất cứ giai đoạn nào, chúng ta cũng đều cần những con người có tâm, những con người sẵn sàng hy sinh vì lợi ích quốc gia, những cán bộ sẵn sàng rèn luyện đạo đức, xem việc rèn luyện là lối sống, là hơi thở và bản năng của người chiến sỹ trong thời bình. Người cán bộ có đạo đức tốt tạo điều kiện cho tài năng phát triển.

Thứ ba, xây dựng phẩm chất đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” cho cán bộ đảng viên là nền tảng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Pháp luật, thể chế phòng chống tham nhũng được hoàn thiện càng chỉ rõ ranh giới cho người cán bộ, đảng viên thực thi đúng nhiệm vụ của mình, dù có muốn vì lợi ích cá nhân cũng không thể được. Người cộng sản có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách, cán bộ lãnh đạo cần phải đi đầu trong việc phát huy phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”. Tham nhũng, lãng phí là một hiện tượng nhức nhối, là vấn đề sống còn, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, cần kiên quyết chung tay đẩy lùi. Những cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng sẽ làm cho đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

4. Kết luận

“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[7], đào tạo, rèn luyện cán bộ là gốc của Đảng. Bên cạnh việc học tập nâng cao trình độ, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững giá trị cốt lõi của bản thân, biết sống “cần, kiệm, liêm, chính” để luôn xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Giá trị tác phẩm và tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính” còn nguyên vẹn mãi về sau./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5; tr 631.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6; tr 127

[3] Sđd, tr. 128.

[4] Sđd, tr.119.

[5] Sđd,  tr.124.

[6] Sđd, tr.127.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.280.

Các bản tin trước: